Thân quen, chi tiền là được quyền khai thác khoáng sản?

“Toàn quốc có hơn 5.000 điểm mỏ quặng, tương ứng với nó là hơn 5.000 giấy phép. Thân quen, chi tiền là được cấp giấy phép. Xin một cái giấy phép khai thác khoáng sản, kể cả tiêu cực phí hết khoảng 7 tỉ đồng nhưng chuyển nhượng giấy phép đó sẽ thu 30 tỉ đồng. Lãi kinh khủng! Sau khi khai thác khoáng sản, ai được? Chỉ cái nhóm đó được và một số “ông” được. Thuế tài nguyên thu được rất ít”. Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam - PGS-TS Nguyễn Khắc Vinh chỉ rõ khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM tại Hội nghị thực hiện chính sách trong khai thác khoáng do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH tổ chức ngày 2-3.

Thân quen, chi tiền là được quyền khai thác khoáng sản? ảnh 1

Một điểm khai thác quặng trái phép gây  hủy hoại môi trường. Ảnh: CTV

Băm nhỏ mỏ để cấp được nhiều giấy phép

“Bình Thuận là một tỉnh nhỏ mà trong 13 năm cấp 200 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Những mỏ khoáng sản đó Nhà nước phải quản lý nhưng địa phương cứ băm nhỏ ra cấp cho tư nhân. Khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan, nhiều nơi vô tổ chức không những đã làm thất thoát lớn nguồn tài nguyên mà còn ảnh hưởng xấu đến cơ sở hạ tầng, làm xuống cấp rất nhanh hệ thống đường sá, cầu cống, phá hủy môi trường sống, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội cho địa phương...” - ông Vinh tiếp tục phân tích.

Theo ông Vinh, việc cấp phép như vậy thực chất là Nhà nước lỗ. Bởi để cấp phép khai thác cho một mỏ, Nhà nước phải bỏ ra rất nhiều tiền của để tìm kiếm, điều tra, thăm dò rồi sau đó cho một “ông” tư nhân khai thác. Ông này chỉ phải nộp thuế tài nguyên. Trong khi đáng lẽ nếu được khai thác mỏ đó thì “ông” tư nhân này phải chi số tiền mà Nhà nước đã bỏ ra từ trước đến nay.

Cái bẫy đấu giá

Từ thực tế, ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng chỉ thẳng: “Tình trạng khai thác khoáng sản đã và đang ngày càng diễn biến phức tạp và tiêu cực. Hai công cụ “cấp phép” và “phân quyền” cho các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản đã đóng vai trò rất quyết định trong việc chuyển đổi khối lượng lớn tài nguyên khoáng sản từ sở hữu toàn dân sang thành nguồn thu của những nhóm lợi ích là doanh nghiệp”.

Cũng theo ông Sơn, thực hiện theo Luật Khoáng sản trước đây, chỉ riêng khâu cấp phép khoáng sản đã làm cho toàn bộ tiềm năng khoáng sản của Việt Nam bị lật tung lên như “âm binh” được thả. Tuy nhiên, theo Luật Khoáng sản mới ban hành năm 2010, cái bẫy “đấu giá” còn tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn rất nhiều lần. “Đấu giá là sân nhà rất quen thuộc của nhóm lợi ích. Kẽ hở lớn nhất trong Luật Khoáng sản hiện nay nằm trong khâu đấu giá. Nếu những quy định hướng dẫn không rõ ràng thì cũng giống như việc cấp phép theo kiểu xin-cho trước đây, việc đấu giá sẽ tiếp tục làm cho Nhà nước “trắng tay” về tài nguyên và khoáng sản” - ông Sơn cảnh báo.

PGS-TS Nguyễn Cảnh Nam (Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam) cũng cho rằng việc xin-cho trong cấp phép khai thác khoáng sản vẫn còn. Tình trạng cấp phép tràn lan, chia nhỏ mỏ để cấp hay cấp phép cho các cá nhân không đủ năng lực diễn ra ở nhiều nơi. Một số khoáng sản có trữ lượng lớn, phân bổ liên tục đã bị cắt thành nhiều khoảnh để cấp phép khai thác. Việc cấp phép không theo quy hoạch, vượt quá quy định và chồng chéo vẫn còn xảy ra. Trong khi đó, bộ máy thanh tra chuyên ngành khoáng sản lại thiếu và yếu về chuyên môn nên chưa phát hiện kịp thời những bất cập trong quản lý và khai thác khoáng sản, để xảy ra nhiều tiêu cực như nạn khai thác không phép, nhất là đối với khai thác vàng, đá quý, chì, kẽm, đồng, than...

Cấp phép sai, chủ tịch tỉnh mất chức

Nói về các giải pháp để lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản, ý kiến của đại biểu QH Bùi Thị An làm nhiều người phải suy ngẫm: “Ta giáo dục cho học sinh trong nhà trường cần bảo vệ tài nguyên. Nhưng theo tôi, trước tiên cần giáo dục những người làm lãnh đạo ở các cấp chính quyền về điều này. Khi cấp trên thông thì cấp dưới mới thông, mới làm”.

Đồng quan điểm, ông Vinh cũng hiến kế: “Tỉnh nào để xảy ra vi phạm trong cấp giấy phép thì lãnh đạo tỉnh đó phải chịu trách nhiệm, chủ tịch tỉnh đó có thể mất chức. Cứ làm điểm ở một vài tỉnh thì các nơi khác cũng sẽ phải “chùn” ngay”. Ông Vinh cũng cho rằng việc Thủ tướng chỉ đạo ngừng cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản là đúng. “Ngừng cấp phép khai thác khoáng sản thì còn giữ được nhiều thứ. Việc cấp giấy phép trong thời gian tới sẽ phải xem xét rất kỹ. Các loại khoáng sản có trữ lượng ít thì không cấp phép khai thác mà để dành cho con cháu” - ông Vinh nói.

Tiêu điểm

4.400

giấy phép khai thác khoáng sản do UBND các tỉnh, TP đã cấp đang còn hiệu lực.

1.200

giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công nghiệp (cũ) cấp cho các tổ chức, cá nhân tính đến giữa năm 2011.

Cần tăng cường quản lý cấp phép khoáng sản theo hướng nâng cao chất lượng, cấp phép theo đúng đối tượng, quy hoạch. Cạnh đó, phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản theo đúng quy định trong giấy phép.

PGS-TS NGUYỄN CẢNH NAM, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam

Những ai có liên quan đến lĩnh vực khoáng sản đều giàu. Nhưng hậu quả của việc khai thác khoáng sản lên xã hội thật nặng nề, đó là ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội… Hiện nay thất thoát tài nguyên ở nước ta quá nhiều. Nước ta giàu tài nguyên mà không quản được thì cũng là miệng ăn, núi lở.

Bà BÙI THỊ AN, đại biểu QH Hà Nội

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm