Thắng kiện trên giấy

Tháng 4-2008, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa bà Đ. và ông T. và y án sơ thẩm của TAND quận 4, buộc ông T. phải trả cho bà Đ. hơn 64 lượng vàng và gần 400 triệu đồng.

Người thứ ba “bất ngờ” xuất hiện

Sau đó, bà Đ. làm đơn yêu cầu thi hành án gửi đến Thi hành án quận 4 (nay là Chi cục Thi hành án quận 4). Do ông T. không tự nguyện trả nợ nên bà Đ. đã yêu cầu thi hành án kê biên phát mại một mảnh đất của ông T. ở huyện Củ Chi.

Chi cục Thi hành án quận 4 xác minh, xác định mảnh đất trên mang tên ông T. và không có tranh chấp gì. Tháng 7-2008, chi cục đã có công văn đề nghị các cơ quan chức năng huyện Củ Chi ngăn chặn việc chuyển dịch nhà đất của ông T. Tiếp đó, chi cục kê biên mảnh đất này để đảm bảo thi hành án.

Thắng kiện trên giấy ảnh 1

Khi chi cục đang lên kế hoạch cưỡng chế thi hành án thì tháng 5-2009, bà L. bất ngờ xuất hiện khiếu nại, yêu cầu ngưng việc cưỡng chế nhà đất của ông T. Bà L. cho biết mảnh đất này ông T. đã bán cho bà từ năm 2005, hiện bà đang làm giấy tờ xác định chủ quyền.

Trước tình huống này, tháng 6, Chi cục Thi hành án quận 4 đã hướng dẫn cho bà L. nếu có tranh chấp tài sản đã kê biên với ông T. thì khởi kiện ra tòa trong thời hạn ba tháng, nếu không chi cục sẽ tiếp tục cưỡng chế.

Ngay sau đó, bà L. đã kiện ông T. ra TAND huyện Củ Chi. Ngày 20-9, TAND huyện này đã ra quyết định hòa giải thành giữa hai bên. Theo đó, ông T. đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng bán đất lập từ tháng 5-2005 cho bà L. và có trách nhiệm giao cho bà L. toàn bộ mảnh đất trên cùng tài sản gắn liền với đất. Ngoài ra, tòa còn cho phép bà L. được liên hệ với các cơ quan chức năng để làm thủ tục sang tên phần đất trên.

Chủ nợ trắng tay

Về phần mình, bà Đ. không hề hay biết gì những chuyện trên nên cứ đinh ninh là Chi cục Thi hành án quận 4 sẽ phát mại căn nhà của ông T. để trả nợ cho bà. Chờ mãi không thấy chi cục động tĩnh gì, bà tới hỏi. Tới đây thì bà mới té ngửa vì cơ quan này đã giải tỏa kê biên mảnh đất trên để bà L. làm thủ tục sang tên theo quyết định hòa giải thành của TAND huyện Củ Chi.

Vấn đề đặt ra ở đây là khi giải quyết tranh chấp giữa bà L. và ông T., TAND huyện Củ Chi có phải đưa bà Đ. vào với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không.

Theo phó chánh án một tòa án quận ở TP.HCM, trong trường hợp này, quyết định công nhận hòa giải thành của TAND huyện Củ Chi là chưa ổn. Ông phân tích: Thứ nhất, đối tượng đang tranh chấp là tài sản đang bị chi cục thi hành án kê biên nên liên quan trực tiếp đến cơ quan này. Thứ hai, tài sản này đã được kê biên để phát mại nhằm trả nợ cho bà Đ. Vì vậy, tòa phải đưa cả Chi cục Thi hành án quận 4 lẫn bà Đ. vào tham gia tố tụng chứ không thể ra quyết định hòa giải thành chỉ có mỗi mình ông T. và bà L.

Cuối cùng, chỉ có bà Đ., người được thi hành án là bị thiệt thòi mà không biết phải làm sao khi bên phải thi hành án đã dịch chuyển được tài sản cho người thứ ba một cách dễ dàng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Phải đưa người liên quan vào vụ án

Cách xử lý của TAND huyện Củ Chi là chưa ổn vì tòa không đưa bà Đ. là người liên quan vào vụ án. Nếu bên phải thi hành án muốn tẩu tán tài sản thì thiếu sót trên của tòa rất dễ bị lợi dụng. Bởi lẽ nếu có ý đồ, hai bên đương sự tự thỏa thuận rằng có sự mua bán, tặng cho... để khi ra tòa chỉ cần hòa giải thành thì tài sản tranh chấp lập tức chuyển dịch một cách gọn gàng từ người này qua người kia. Người phải thi hành án lúc này thành người không có tài sản gì và chi cục thi hành án phải gác lại việc thi hành án của bản án trước.

Do vậy, để ngăn ngừa tình trạng này, nhất thiết phải đưa người liên quan vào vụ án. Ít nhất là ngăn chặn việc hai đương sự tự thỏa thuận, sau đó là để vụ án được đưa ra xét xử công khai nhằm có điều kiện kiểm chứng lại những chứng cứ liên quan.

VĂN ĐOÀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm