Thanh tra vụ VN Pharma trong 60 ngày

Sáng 26-9, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra tại Bộ Y tế liên quan đến các nội dung cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với bảy loại thuốc do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc (Canada) sản xuất và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty CP VN Pharma. Quyết định do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn ký.

Đoàn thanh tra gồm sáu thành viên, do ông Vũ Hồng Khánh, thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ III Thanh tra Chính phủ, làm trưởng đoàn. Thời kỳ thanh tra 2011-2014, tùy tình hình có thể mở rộng về thời gian. Toàn bộ cuộc thanh tra kéo dài trong 60 ngày, không kể các ngày nghỉ.

Trước đó, ngày 7-9, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra các nội dung trên và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-12.

Liên quan đến vụ án VN Pharma, như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 22-9, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã ký kháng nghị đề nghị TAND cùng cấp xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì vụ án chưa được điều tra một cách toàn diện, có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội, ngoài ra còn phải giám định lại và xử lý vật chứng…

Đáng lưu ý, kháng nghị này đề cập đến trách nhiệm của các cá nhân trong Cục Quản lý dược - Bộ Y tế liên quan đến việc thẩm định hồ sơ và cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita 5000 mg.

Theo VKSND Cấp cao, cấp sơ thẩm chưa làm rõ trách nhiệm trong quá trình cấp phép nhập khẩu lô thuốc trên và ba lô thuốc khác đã nhập khẩu vào Việt Nam của Cục Quản lý dược. Chính việc làm tắc trách của Cục Quản lý dược đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy cần điều tra làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của tổ thẩm định và lãnh đạo Cục Quản lý dược để xử lý theo pháp luật.

Kháng nghị của VKSND Cấp cao còn cho rằng ngoài lô thuốc H-Capita nói trên, Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm còn thực hiện hành vi tương tự đối với bảy bộ hồ sơ của bảy loại thuốc khác lấy tên Helix Canada (nội dung thanh tra) và đã được Cục Quản lý dược cấp giấy phép nhập khẩu, cấp sổ đăng ký lưu hành.

VKSND Cấp cao cho rằng cần phải điều tra làm rõ để xử lý chung trong một vụ án để đảm bảo tính khách quan, toàn diện, nhằm đánh giá đúng quy mô, tính chất của vụ án.

Cũng theo kháng nghị này, Cục Quản lý dược là đơn vị cấp phép nhập khẩu, quá trình cấp phép có nhiều thiếu sót, sai phạm nên là đối tượng cần xem xét trong vụ án này nhưng lại tham gia giám định chuyên môn lô hàng do chính mình cấp phép.

Mặt khác, Cục Quản lý dược đã tham gia tố tụng với tư cách là người phát hiện và tố giác tội phạm - tham gia tố tụng theo Điều 25, 26 BLTTHS. Sau đó cục này lại tham gia giám định tư pháp chính lô hàng mà mình cấp phép nhập khẩu (tham gia tố tụng với tư cách giám định viên tư pháp theo Điều 60 BLTTHS) là chưa đảm bảo tính khách quan.

Kháng nghị cũng cho rằng kết luận giám định của Bộ Y tế có nhiều mâu thuẫn, không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế khách quan của vụ án.

Theo kết luận giám định, thuốc này: “… không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”. Kháng nghị của VKSND Tối cao cho rằng trong khi các bị cáo nhập thuốc về với mục đích chữa bệnh ung thư cho người nhưng cũng chính kết luận lại cho rằng là thuốc kém chất lượng mà không kết luận là thuốc giả.

Vì vậy cần thiết phải trưng cầu giám định lại với thành phần hội đồng giám định khác để đảm bảo tính khách quan và chính xác. Kết luận giám định là một trong những chứng cứ quan trọng làm cơ sở cho việc xác định tội danh đối với các bị cáo được chính xác, đúng pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm