BI HÀI CUỘC ĐUA NÂNG ĐƯỜNG - NÂNG NHÀ - BÀI 3

Thay vì lo cống thoát, người ta lại nâng đường

Bàn về thực trạng nâng đường chống ngập, ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP, nói: “Nâng cao các tuyến đường ven kênh rạch là cần thiết vì sẽ ngăn được nước triều gây ngập, còn nâng đường trong nội thị thì không mang ý nghĩa như vậy”.

Đưa ra cốt chuẩn 2 m là không hợp lý

. Thưa ông, việc nâng cao nhiều tuyến đường được giải thích là nhằm chống ngập, trong đó có cả những dự án do Trung tâm Chống ngập làm chủ đầu tư?

+ Ở các dự án này, kể cả dự án do Trung tâm Chống ngập làm chủ đầu tư đều do Sở GTVT duyệt cốt nền.

Nói nâng đường để chống ngập là chưa chính xác. Bởi việc thoát ngập là do hệ thống cống thoát nước bên dưới mặt đường có đảm bảo đủ tiết diện, thông thoáng cho việc tiêu thoát nước chứ mặt đường thì không có ý nghĩa gì trong việc chống ngập cả, trừ khi các tuyến đường đó ven sông, kênh rạch khi được nâng lên thì nó có ý nghĩa là bờ bao chống triều cường.

. Nhưng “cốt nền” 2 m mà nhiều tuyến đường đang muốn chạm đến là thực hiện theo “chuẩn” của quy hoạch chống ngập?

+ Toàn TP có khoảng 60% diện tích thấp 1,5 m, trong khi hiện nay đỉnh triều đã nhiều lần vượt mức này nên những vùng thấp như các quận 2, 6, 7, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức... thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường. Tuy nhiên, nếu nơi nào cũng nâng cho đạt cao trình 2 m thì điều này không thực tế. Bởi TP.HCM hiện nay hình thành từ một TP cũ nên không thể đưa ra một “cốt” chung 2 m để tất cả cùng theo. Những căn nhà cũ đã được xây dựng từ lâu mà kéo họ theo cốt này thì rõ ràng không hợp lý. Tôi cho rằng cốt nền 2 m chỉ phù hợp với các khu dân cư, khu đô thị mới được xây dựng sau này.

Thay vì lo cống thoát, người ta lại nâng đường ảnh 1

Nhà cao vót sau khi đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) được nâng lên. Ảnh: MP

Thay vì lo cống thoát, người ta lại nâng đường ảnh 2

Tấm dắt xe ở căn nhà 337 Phạm Văn Chí (quận 6) được quay ngược vào nhà do đường đôn quá cao. Ảnh: MP

Nâng đường: Buộc phải nâng hẻm

. Nói nâng đường không có ý nghĩa trong việc chống ngập nhưng vì sao nhiều đường được đôn cao trong khi điều này vừa gây tốn kém, vừa tác động xấu đến người dân?

6.500 km cống là con số mà TP.HCM cần - theo quy hoạch tổng thể thoát nước đã được Thủ tướng duyệt nhưng TP hiện chỉ có chưa đến 2.000 km.

+ Việc nâng đường theo cao độ nào là do ngành giao thông thực hiện theo quy hoạch của ngành. Thực tế nhiều tuyến đường được nâng quá cao đã làm nhà dân thấp xuống và làm các tuyến hẻm dọc đường (nhất là ở các quận 4, 7, 6…) bị ngập. Nhà tôi ở đường Nguyễn Văn Luông (quận 6) cũng bị ngập khi đường nâng lên nên tôi phải nâng nhà lên theo. Về việc này, Trung tâm Chống ngập đề nghị một số nơi nâng hẻm theo để không bị nước dồn vào. Chúng tôi quan tâm đến “cốt” của đáy cống để nước từ hẻm thoát ra ngoài chứ còn độ cao đường được nâng bao nhiêu thì không có ý kiến vì đây là do ngành giao thông thực hiện. Riêng ở một số dự án nâng đường thì trung tâm cũng lưu ý, cần có sự đồng bộ giữa hẻm và đường.

Trở lại vấn đề duyệt cao độ các tuyến đường, điều này thuộc thẩm quyền của Sở GTVT. Sở vẫn là đơn vị quản lý nhà nước trong khi Trung tâm Chống ngập chỉ là đơn vị hành chính sự nghiệp. Để phối hợp đồng bộ thì UBND TP vừa có chỉ đạo yêu cầu các dự án của chủ đầu tư khác có liên quan đến hệ thống thoát nước, kể cả việc làm đường… trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư phải tham khảo ý kiến của Trung tâm Chống ngập trước khi được phê duyệt thiết kế cơ sở hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật của công trình, dự án.

Có cống kiểm soát triều, nâng đường làm gì?

. Quy hoạch thủy lợi cho TP đã đặt mục tiêu khống chế mực nước triều cường thì việc nâng cao đường càng cho thấy không ổn?

+ Đúng rồi. Trong một cuộc họp có bí thư Thành ủy tham dự, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT, cũng đã nói: Nếu bây giờ thực hiện theo quy hoạch thủy lợi đầy đủ - tức TP hoàn chỉnh hệ thống đê bao, có cống kiểm soát triều thì không nhất thiết nâng đường nữa.

Lại nữa, dù đường được nâng cao nhưng không có cống thì cũng chỉ có ý nghĩa chống ngập khi chúng nằm ven rạch. Vấn đề tích cực nhất hiện nay là cần tập trung nâng cấp hệ thống thoát nước. Hệ thống thoát nước của ta đã quá cũ, lại đang quá tải. Ngập hiện nay cũng có phần là do thiếu cống chuyển tải nên trung tâm đang rà soát, bổ sung theo kế hoạch.

. Xin cảm ơn ông.

Chưa có cốt chung nên mỗi nơi nâng một kiểu

Hiện nay, việc nâng đường được thực hiện khi Trung tâm Chống ngập yêu cầu nâng cao những tuyến đường thấp, trũng hay bị ngập. Do TP chưa có cốt nền chung nên ngành giao thông nâng đường theo cốt thiết kế trong quy chuẩn quốc gia. Cũng vì chưa có cốt chung nên việc nâng hẻm ở các quận, huyện mỗi nơi làm một kiểu chứ chưa thể thống nhất. Đối với đường thuộc các dự án, Sở GTVT duyệt hồ sơ dựa vào đỉnh triều. Hiện nay, cốt đường thuộc các dự án này được duyệt có cao độ 1,57 m.

Ông LÊ QUYẾT THẮNG, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, Sở GTVT

Hiện TP chưa “giải” được bài toán cốt nền phức tạp thì phải đối diện với tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và hiện tượng lún mặt đất. Cần có cốt chuẩn cốt nền trong đó có tính đến hiện tượng nước biển dâng, lún mặt đất làm căn cứ xác định cao độ cho từng khu vực khi xây dựng công trình, nhà cửa.

PGS-TS LÊ VĂN TRUNG, Giám đốc Trung tâm Địa tin học,
ĐH Quốc gia TP.HCM

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm