Ai chịu trách nhiệm cho sinh mệnh của người dân khi xả lũ?

Chiều 30-11, đứa em gái từ huyện Phú Hòa, Phú Yên, gọi video call cho tôi, giọng hoảng loạn: “Anh ơi, nước đang ào ào vô quán. Mấy phút trước khách còn ngồi ăn cơm, em vừa quay đi dọn dẹp chén đĩa thì nước xộc vào nhà. Trong tích tắc, nước đã ngập tới nửa tủ lạnh, tủ đông và đã qua mép giường rồi...”.

Tôi chỉ kịp trấn an là nên bình tĩnh, nhanh chóng rút hết điện, gom một ít đồ đạc quan trọng và tìm căn nhà cao tầng gần đó nhất xin tá túc vì không thể trở về nhà má tôi gần đó được, xung quanh nước đã phủ các con đường, không tìm thấy lối.

Ngay trong chiều 30-11, một phụ nữ ở khu vực em tôi ở đã bị nước cuốn trôi, mất tích...

Tối 30-11, một đêm khủng khiếp cho toàn vùng hạ du của sông Ba (huyện Sơn Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Cũng như nhà của cô em gái tôi, hàng trăm căn nhà khác chìm sâu trong nước. Dù các lực lượng cứu hộ cứu nạn của tỉnh Phú Yên đã nỗ lực giúp đỡ bà con nhưng lũ đột ngột và dữ dội đã khiến cho hàng vạn người dân không kịp trở tay… Số người chết và mất tích tăng lên liên tiếp, tài sản bị hư hỏng, cuốn trôi khắp nơi…

Lãnh đạo các huyện bị nạn và người dân nơi đây đều chung câu nói: Chưa bao giờ lũ lên nhanh và lớn như vậy! “Thấy nước chảy ào ào, con tôi chỉ kịp dắt tôi chạy thoát thân. Khi về thì nhà đã sập, nước ngập lút mái” - cụ Quờn, người sống gần hết đời ở huyện Sơn Hòa, nói.

Cơn lũ lớn, đạt mốc lịch sử trong 28 năm qua ở Phú Yên và đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, tài sản thiệt hại vô cùng lớn.

Ngay trong sáng 30-11, lãnh đạo Phú Yên đã thấy trước nguy cơ cả vùng hạ du sông Ba sẽ ngập lụt, một mặt chỉ đạo tỉnh ứng phó, một mặt liên tục gọi điện thoại lên Gia Lai yêu cầu điều tiết nước ở các hồ thủy điện, không xả lũ ồ ạt gây ngập lụt cho hạ du. Tiếc là các cuộc điện thoại đều không có người nghe nên trong thẩm quyền của mình, Phú Yên làm mọi cách để giảm thiệt hại cho dân và cầu cứu trung ương, đề nghị Gia Lai chỉ đạo giảm xả lũ để cứu hạ du. Sau công văn cầu cứu này, lũ ở Phú Yên dần rút...

Trận lũ lịch sử này đã bộc lộ sự phối hợp thiếu nhịp nhàng giữa trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của các tỉnh liên quan. Nếu không muốn nói là chưa tuân thủ Quyết định 878 năm 2018 của Thủ tướng về quy trình vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông Ba.

Theo Quyết định 878, trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN của hai tỉnh quyết định việc điều tiết nước hồ thủy điện trong thẩm quyền của mình. Và trong quyết định nêu rõ việc thông báo về thời gian, lưu lượng vận hành điều tiết của địa phương phía thượng nguồn cho Phú Yên. Tuy nhiên, trong đợt lũ này Gia Lai hoàn toàn không hề có thông báo cho Phú Yên.

Điều đáng nói, câu chuyện “mạnh ai nấy xả” không phải là lần đầu, khi tỉnh Phú Yên đã từng có ý kiến ra trung ương về việc này nhưng chuyện đâu vẫn vào đấy.

Chính trong quyết định trên, Thủ tướng nêu rõ: Lệnh vận hành các hồ điều tiết lũ trái với các quy định trong quy trình dẫn đến công trình đầu mối, hệ thống các công trình thủy lợi, giao thông và dân sinh ở hạ du bị mất an toàn thì người ra lệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cứ mỗi cơn lũ khủng khiếp qua đi, các bên liên quan vẫn thường báo cáo rằng tất cả đều đúng quy trình, rằng thì là do thiên tai chứ ít khi nhìn nhận trách nhiệm của mình trong công tác điều phối xả lũ, trách nhiệm của mình trước bao sinh mệnh, tài sản của người dân bị thiệt hại.

Nếu không chấn chỉnh, thực hiện nghiêm việc phối hợp xả lũ thì ở vùng hạ du sông Ba nói riêng và hạ du lưu vực các sông có đập thủy điện nói chung, người dân sẽ còn chịu những đợt “nhân tai” kinh hoàng trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm