Bình luận đen - những cái thòng lọng trên mạng xã hội ​

Thực tế cho thấy góp phần làm đen mạng xã hội (MXH) không chỉ có những livestream, những bài viết xấu mà còn có những liều thuốc độc gây chết người không kém khác, đó là các bình luận (comment) vu khống, xúc phạm người khác.

Đã từng có nhiều trường hợp bị xử phạt chỉ vì bình luận cho vui, bất chấp hậu quả xảy ra. Chẳng hạn mới đây, dưới dòng trạng thái về lực lượng phòng chống dịch chi viện cho miền Nam, một thanh niên vào thả bình luận “Toàn bụng to. Đi vơ vét…” để rồi sau đó cũng phải chịu nộp phạt vì xúc phạm lực lượng phòng chống dịch. Còn nhiều những bình luận sai sự thật cũng đã bị xử phạt trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, có một điểm chung ở các sự việc này là người bình luận khi bị mời đến làm việc đều cho rằng mình chỉ bình luận cho vui, không nghĩ đến hậu quả xảy ra.

Đó là những cọng rác đã được dọn dẹp mà hầu hết đối tượng bị chỉ trích là một lực lượng, tổ chức, cá nhân lãnh đạo. Còn vô số rác bình luận trên MXH đang chỉ trích, vu khống người khác một cách vô cớ vẫn thản nhiên được xả ra hằng giờ mà chưa bị xử lý gì, bởi lẽ không phải ai cũng đủ sức đi đòi quyền lợi cho mình.

MXH là môi trường sinh hoạt của cộng đồng nên việc bình luận trên đó cũng tương tự việc phát ngôn ở nơi đông người. Thậm chí, mức độ gây ảnh hưởng của nó càng được khuếch đại nhiều hơn do không bị giới hạn không gian và thời gian.

Nhiều người vô tư hùa nhau thả comment, ném đá một người/một sự việc trên MXH vì họ cho rằng mình ẩn danh và không có trách nhiệm gì với người/việc bị chỉ trích. Tuy nhiên, tự do ngôn luận phải được thực hiện trong khuôn khổ, giới hạn không làm ảnh hưởng đến các quyền và giá trị khác được pháp luật quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ” (Điều 21 Hiến pháp 2013; Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015).

Về bản chất, bài viết trên MXH và hành vi bình luận dưới bài viết là giống nhau. Vẫn là trực tiếp truyền đưa thông tin (sai), chỉ khác vị trí đăng tải lên Facebook. Mức độ tác hại của chúng là như nhau.

Chính vì những lý do trên, pháp luật không chỉ buộc người viết bình luận (sai) chịu trách nhiệm mà người có trang thông tin cá nhân chứa bình luận (sai) cũng phải chịu trách nhiệm. Hành vi bạo lực tinh thần trên không gian ảo dưới bất kỳ trạng thái nào đều để lại hậu quả thật. Nạn nhân là người đã trưởng thành có nhiều cách để chật vật thoát ra những bạo hành tinh thần hoặc phải mang theo những uất ức về thế giới bên kia.

Với nạn nhân là các em ở lứa tuổi học sinh, sinh viên thì hậu quả âm ỉ khó lường. “Bắt nạt trực tuyến” là cụm từ được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) thường dùng để báo động cho những hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến người khác trên MXH, trong đó có những bình luận xấu. Số liệu khảo sát của UNICEF từng cho thấy 21% thanh thiếu niên tham gia khảo sát là nạn nhân của bắt nạt trên MXH tại Việt Nam. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bắt nạt trực tuyến còn đưa nạn nhân tìm đến con đường tự tử.

Trước khi đưa tay gõ bàn phím, mỗi chúng ta nên nhớ rằng một dòng bình luận trên MXH có thể phá hủy cuộc đời một người. Mỗi dòng bình luận trên MXH có thể là một chiếc thòng lọng trên đầu ai đó mà mình vừa quăng ra. Và có thể nó cũng là chiếc còng đưa chính chúng ta - người vừa gõ comment - vào tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm