Bổ nhiệm người ngoài Đảng làm quản lý

Lời bộc bạch này của ông Lê Nguyễn Minh Quang, người vừa rời vị trí tổng giám đốc một tập đoàn lớn sau 20 năm gắn bó để nhậm chức trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM trên báo chí, khiến quyết định đột phá của TP.HCM trong công tác nhân sự càng thêm có giá trị.

Ông Quang là người ngoài Đảng, không phải là công chức, được phân công một vị trí quan trọng, tương đương với giám đốc sở là điều đáng ghi nhận trong câu chuyện sử dụng nhân tài hiện nay. Vị trí này thông thường phải do đảng viên đảm trách và cũng tuân thủ một quy trình bổ nhiệm chặt chẽ. Cho nên để bổ nhiệm ông Quang vào vị trí này, lãnh đạo TP.HCM đã phải vượt qua những rào cản nhất định và cho thấy sự đổi mới của mình. Chỉ có thể nói động lực để vượt qua những khó khăn chính là sự gặp gỡ giữa khát khao cống hiến của ông Quang và quyết tâm đột phá trong trọng dụng nhân tài của lãnh đạo TP.HCM.

Nhưng không biết tự bao giờ, vấn đề bổ nhiệm nhân sự ngoài Đảng vào các vị trí quan trọng lại trở thành một vấn đề nan giải. Ngược dòng lịch sử, vấn đề người ngoài Đảng nắm các vị trí lãnh đạo không phải là điều bất thường hay đột phá. Khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mạnh dạn sử dụng những nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên… vào những vị trí hết sức quan trọng như chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, bộ trưởng Bộ Giáo dục

Thiết nghĩ bất kể ai, khi đã là người Việt Nam đều mong muốn cống hiến tâm sức để quốc gia phát triển, quốc dân hạnh phúc, dù quan điểm và cách thức cống hiến đôi khi có thể khác nhau, thì phải trọng dụng họ. Điều quan trọng mà mọi người đều xác định đó là: Độc lập dân tộc và hạnh phúc đồng bào là cái đích lớn lao nhất.

Nhiều người đã từng nói đến cơ chế hiện nay không có chỗ cho người tài được trọng dụng, khi nhìn vào tình trạng “cả họ làm quan” ở nhiều địa phương, tình trạng “cha bổ nhiệm con”, tình trạng ô dù, núp bóng,… Đảng cũng xác định “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên biến chất, suy thoái…

Điều này đòi hỏi phải có những cơ chế đột phá hơn trong việc thu hút người tài vào các cơ quan của Nhà nước. Tất nhiên việc thu hút được nhân tài đảm nhận các vị trí quan trọng ấy bằng cơ chế công khai, minh bạch, bằng thực tâm của lãnh đạo để nhân tài có thể đem hết tâm sức, đảm trách các nhiệm vụ theo định hướng của Đảng. Điều này không chỉ nâng chất đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước mà còn tạo ra một cơ chế bình đẳng, cạnh tranh để cán bộ, đảng viên hoàn thiện mình hơn nữa.

Trên tinh thần đó, có thể nói việc người ngoài Đảng được giao đảm trách các vị trí quan trọng, thậm chí kể cả vị trí lãnh đạo, như TP.HCM vừa thực hiện, sẽ là động lực và minh chứng cho vai trò lãnh đạo của Đảng tốt hơn, vì dân, bền vững và thực chất hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm