Cần chăm sóc lực lượng y tế một cách xứng đáng

Tuần trước, có dịp ngồi với nhóm nhân viên y tế từng vào Nam chống dịch, quan sát họ, thấy ai cũng mệt nhoài. Họ cho biết từ ngày vào hỗ trợ chống dịch đến nay đã bốn tháng nhưng đợi mòn mỏi vẫn chưa có tiền thù lao.

Chưa kể bệnh viện tự chủ, điều trị COVID-19 miễn phí khiến bệnh viện không có nguồn thu, kéo theo lương của nhân viên y tế cũng sụt giảm đáng kể.

Thực tế tại nhiều trạm y tế, trưởng trạm làm việc như một cái máy nhưng nhận lại mỗi tháng chỉ được 6-7 triệu đồng. Gánh nặng kinh tế khiến họ không thể nuôi nổi đam mê, họ chọn nghỉ việc để tìm cách mưu sinh khác.

Trước tình trạng hơn 1.000 nhân viên y tế ở TP.HCM nghỉ việc trong năm 2021, ngày 8-12, tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nhìn nhận: “Lý do nhân viên y tế nghỉ việc, chúng tôi dùng từ kiệt sức cũng không sai, gần tám tháng trời chưa được nghỉ ngơi ngày nào với mức thu nhập thấp”.

Rõ ràng chúng ta nhìn ra được nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc. Có lẽ ngành y tế, người đứng đầu ngành y tế cũng hiểu rõ được lý do. Vậy vì đâu không thể tháo gỡ? Vướng mắc ở khâu nào, sao không nỗ lực giải quyết mà để sự việc tồn tại từ năm này qua năm khác?

Nhiều năm qua, rất nhiều đề xuất nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế. Nào là đề xuất tăng mức hỗ trợ hằng tháng, 5 triệu đồng đối với bác sĩ; nhân viên y tế có trình độ đại học và y sĩ là 4 triệu đồng; nhân viên y tế có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp là 3 triệu đồng. Mức hỗ trợ này nhằm giữ chân nhân viên y tế an tâm công tác tại các trạm, đồng thời thu hút, hỗ trợ bác sĩ nghỉ hưu về đây làm việc… Nhưng bàn luận rồi lại cất vào ngăn tủ. Tất cả chưa được hiện thực hóa.

Cuộc chiến chống dịch còn dài, nhân lực y tế là cốt lõi, nếu nhân viên y tế không chăm lo được đời sống gia đình, làm sao họ có thể yên tâm công tác, cống hiến và gắn bó lâu dài. Bỏ việc trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, nhân viên y tế cũng thấy day dứt. Thế nhưng, vì áp lực cuộc sống bắt buộc họ phải làm vậy.

Già néo thì coi chừng đứt dây. Hãy nhìn vào sự hy sinh, sự cống hiến của đội ngũ y tế trong suốt hai năm qua để thấy hơn lúc nào hết, họ cần được chăm sóc một cách chính đáng nhất!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm