Để không còn ai khổ như ông Nén

“Tôi tha thiết mong rằng bằng những đòn roi tôi đã nhận, bằng những oan ức tôi đã trải qua… các điều tra viên, các kiểm sát viên, các thẩm phán hãy suy nghĩ kỹ khi phán quyết để không còn làm oan ai…”.

Với hơn 17 năm bị tù oan vì bị kết tội giết người hai lần, báo chí đã gọi ông Huỳnh Văn Nén là “người tù thế kỷ”. Những câu nói uất nghẹn từ lời phát biểu của ông Nén sau khi các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận công khai xin lỗi ông hôm qua đáng để chúng ta suy ngẫm và để các cơ quan tố tụng mổ xẻ làm bài học xương máu trong quá trình nắm giữ cán cân công lý. Với vụ án cụ thể này người ta có thể bắt lỗi một vài cá nhân hay tập thể đã làm oan ông Nén để quy trách nhiệm, điều đó là cần thiết và sòng phẳng. Thế nhưng đó mới chỉ giải quyết được phần ngọn, gốc của vấn đề vẫn phải là sửa đổi hệ thống pháp luật sao cho phù hợp và bảo đảm được quyền con người đúng nghĩa.

Từ yêu cầu đó, khi sửa đổi BLTTHS lần này Quốc hội đã quyết tâm khắc phục những khiếm khuyết đang tồn tại, trong đó nổi bật là quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình việc hỏi cung (Điều 183). Ngay từ khi quy định này còn phôi thai (dự thảo), nó đã nhận được không ít phản đối từ các cơ quan liên quan vì cho rằng không có điều kiện thực hiện. Nhưng với những kiến nghị mạnh mẽ từ các đại biểu Quốc hội và ủy viên liên quan của Quốc hội, cuối cùng nó đã được thông qua.

Với những quy định trên hoạt động hỏi cung nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu Hiến pháp 2013. Đồng thời nó cũng bảo vệ cả người hỏi cung, tránh bị những vu cáo không có cơ sở và cũng là mệnh lệnh để buộc họ phải tự hoàn thiện hơn, thực thi nhiệm vụ nghiêm túc hơn.

Nếu như trước đây người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo chỉ có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến của mình thì trong BLTTHS sửa đổi đã đầy đủ hơn khi được quyền: “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” (các điều 58, 59, 60 và 61).

Những thay đổi này trùng khớp với quy định tại điểm g khoản 3 Điều 14 của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam tham gia năm 1982. Bộ luật sửa đổi cũng bổ sung quy định kiểm sát viên phải tranh luận, đối đáp đến cùng đối với từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác (Điều 322) tại tòa...

Có ý kiến cho rằng nếu những quy định trên có sớm chắc hẳn đã không có sự kiện oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn hay Huỳnh Văn Nén. Nhưng để không còn ai trên đất nước này khổ như ông Nén, ông Chấn thì không còn cách nào khác là những quy định mới cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm