Giải bài toán thiếu trường, lớp cách nào?

Nếu tính bình quân sĩ số 40 HS/lớp thì TP.HCM cần phải có thêm 2.125 phòng học mới. Theo Sở GD&ĐT TP, đến đầu năm học chỉ có hơn 1.000 phòng học mới được đưa vào sử dụng, có nghĩa mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu chỗ học.

Tuy nhiên, đây là vấn đề không mới, năm nào cũng lặp đi lặp lại. Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng xem ra để giải quyết bài toán thiếu trường, lớp là khá nan giải, đến nay TP vẫn còn lúng túng.

Một giải pháp mà TP hay làm là ưu tiên ngân sách đầu tư vào các công trình trường học. Trong dịp hè vừa qua, TP đã tăng tốc sửa chữa, đầu tư xây mới nhiều dự án trường học. Nhưng số trường, lớp xây thêm hằng năm cũng như muối bỏ biển. Trước áp lực HS tăng cao, các quận, huyện đành phải tăng sĩ số HS/lớp, giảm số HS học hai buổi/ngày xuống một buổi/ngày, thậm chí thu gọn các phòng chức năng để có thêm phòng học… Tất nhiên, các biện pháp này đã ảnh hưởng không tốt đến nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học của TP thời gian qua.

Tại hội nghị chuyên đề về năm học mới do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hôm qua, có đại biểu đề nghị cần ngăn sự dịch chuyển của các gia đình về TP. Thế nhưng giải pháp này cũng khó khả thi. Tình hình tăng dân số cơ học nhanh và phức tạp vẫn là một thách thức.

Giải pháp được trông đợi nhiều nhất là đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi thành phần xã hội, mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Thật ra về vấn đề này, Chính phủ đã có nhiều văn bản khuyến khích và trong thời gian qua công tác này đã có những bước phát triển nhất định. Tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống trường ngoài công lập đang có chiều hướng khựng lại trong vài năm gần đây. Theo thống kê của ngành giáo dục, giai đoạn 2001-2012, tỉ lệ HS theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập chỉ chiếm 0,6% ở tiểu học, THCS và hơn 9% ở THPT.

Vì sao có sự khựng lại này? Theo các nhà đầu tư, nguyên nhân chính là chính sách đầu tư của Nhà nước cho hai hệ trường công lập và ngoài công lập còn chưa công bằng. Trong khi các trường công lập được Nhà nước cấp đất, đầu tư ngân sách tính trên đầu HS (ở cấp THPT là 4,5 triệu đồng/năm học/HS) thì các trường ngoài công lập không được hưởng ưu đãi về đất đai, HS không được Nhà nước đầu tư. Điều vô lý là phụ huynh của các HS ngoài công lập cũng đóng thuế như các phụ huynh khác.

Như vậy, để gỡ bài toán quá tải trường, lớp rất cần sự hưởng ứng từ nhiều phía.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm