Hai phía của sự bức xúc

Tuy nhiên, trong báo cáo về việc này, Ban Tiếp công dân Trung ương đề nghị tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo các Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo trên cả ba miền phối hợp các địa phương sớm kiểm tra, rà soát đối với các vụ việc do Ban chuyển đến và thông báo kết quả… góp phần hạn chế nguyên nhân gây bức xúc cho công dân tại trụ sở.

Kiến nghị đầy tính chia sẻ này của Ban Tiếp công dân là điều cần phải ghi nhận trước việc cán bộ của mình bị hành hung. Bởi lẽ Luật Tiếp công dân cũng quy định ban này có trách nhiệm “theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý, trả lời về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh…”. Nhưng trong thực tế, như nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhận định về trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo: “Phải thiết kế lại quy trình tiếp nhận và chuyển đơn, thư để không chuyển lòng vòng, như “chim đưa thư”.

Sự “lòng vòng” này có lẽ đã làm tăng thêm sự bức xúc của những người khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với những vụ việc kéo dài hàng chục năm không được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, dù có thể cảm thông nhưng hành vi của người khiếu nại, tố cáo đối với những cán bộ tiếp dân cũng khó có thể chấp nhận.

Khiếu nại, tố cáo là quyền công dân như được Hiến pháp quy định để đấu tranh chống lại các hành vi trái pháp luật, bảo vệ lợi ích của chung, quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2015, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng nguyên nhân đáng lưu ý làm phát sinh khiếu nại, tố cáo là do năng lực yếu kém, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong công tác quản lý nhà nước, nhất là cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất đai, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… cũng như trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ngày 25-12- 2015 cũng nói rằng: “Có nhiều đơn, thư khiếu nại của người dân… và cũng rất nhiều cơ quan, ban ngành giải quyết mãi chưa xong. Mười mấy, hai mươi năm là quá dài, dân rầy là đúng!”.

Phải! Dân rầy là đúng! Nhưng dân chỉ nên “rầy” thôi, không nên dùng những phương cách sai pháp luật để bày tỏ và trút nỗi bức xúc của mình lên những người thừa hành pháp luật. Hãy thượng tôn pháp luật và dùng những quyền hiến định của mình để buộc chính quyền phải tuân thủ pháp luật và tôn trọng lợi ích chính đáng của mình.

Luật Tiếp công dân đã quy định việc tiếp công dân được coi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nếu các cấp, các ngành đều thực hiện nghiêm quy định này, chắc chắn tình hình khiếu nại, tố cáo ở trung ương sẽ không dai dẳng, phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm