Khi lãnh đạo biết lắng nghe

Trưa 12-5, Bộ trưởng Nhạ đã trực tiếp gọi điện thoại cho cô giáo Hiền để bày tỏ sự quan tâm về những điều cô Hiền “thỉnh cầu”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nhạ còn mong muốn lắng nghe thêm nhiều ý kiến của những người tâm huyết với nghề để có thêm quyết tâm “chấn hưng giáo dục” trong nhiệm kỳ của mình. Ông còn hẹn trao đổi trực tiếp với cô giáo Hiền vào cuối tháng 5-2016 khi ông vào công tác tại TP.HCM. Đây có thể coi là một trong những cách ứng xử đẹp, văn minh, đầy tính cầu thị mà một quan chức trong một chế độ dân chủ cần phải có.

Có thể thấy rằng: Tinh thần lắng nghe nơi các thành viên mới của Chính phủ đang thực sự làm cho người dân cảm thấy phấn khởi và hy vọng. Ngay khi nhậm chức Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định ngay một cuộc đối thoại để lắng nghe các doanh nghiệp về những khó khăn mà họ gặp phải trong hoạt động kinh doanh hiện tại. Những lời hứa tháo gỡ khó khăn, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi được phát đi ngay sau đó là kết quả của việc lắng nghe chân thành.

Mới đây, Thủ tướng lắng nghe dư luận và các nhà khoa học để cân nhắc về siêu dự án sông Hồng và đi đến quyết định chưa phê duyệt. Thủ tướng còn yêu cầu dự án, nếu có, phải lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, cũng như đại diện các tỉnh dọc sông Hồng để có đầy đủ cơ sở khoa học để đánh giá được toàn diện những tác động môi trường, kinh tế và xã hội.

Ở các địa phương, cho đến nay những lời nói và hành động của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng vẫn đang tạo ra sức nóng và sự thúc đẩy cần thiết cho một nền hành chính vì dân là một ví dụ tiêu biểu về sự lắng nghe nhân dân.

Sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn yêu cầu người cán bộ lãnh đạo phải luôn lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, kể cả ý kiến của “những người không quan trọng”. Bác nói rằng: “Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì để nói nhưng vì họ không dám nói, họ sợ”. Bởi vậy, phải biết động viên, khuyến khích “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, tức là phải làm cho cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật. 

Chỉ khi biết lắng nghe thì mới có thể đối thoại chân thành với nhân dân. Chỉ có đối thoại chân thành với nhân dân thì mới tìm ra phương cách hành động đúng đắn vì lợi ích của nhân dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm