Không thể tiếp tục ‘ném tiền vào lửa’

Thủ tướng nhắc đến dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên trong bài phát biểu của mình. Dự án đó hiện đang trùm mền, cũng đồng nghĩa với 8.000 tỉ đồng đang đắp chiếu và lãng phí. Nhưng ngoài 8.000 tỉ đồng này ra, còn hàng ngàn tỉ đồng khác cũng đang bị thiêu cháy trong ngọn lửa lãng phí, xin cho, tham nhũng, lợi ích nhóm và cục bộ. Đơn cử như Nhà máy đạm Ninh Bình 12.000 tỉ đồng; dự án Nhà máy sợi Đình Vũ 7.000 tỉ đồng ở Hải Phòng; dự án mở rộng cảng Cái Mép - Thị Vải 7.000 tỉ đồng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Nếu cộng tất cả dự án kém hiệu quả, “đắp chiếu, trùm mền” trên cả nước lại, con số lãng phí có thể lên tới cả trăm ngàn tỉ đồng. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng nổi lên là tư duy “dấu ấn nhiệm kỳ” của các lãnh đạo bất chấp hiệu quả kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách nhà nước.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà có ý kiến cho rằng có những dự án được vẽ ra chỉ để xin kinh phí trung ương và để phù hợp quy hoạch. Còn phù hợp, hiệu quả ra sao đôi khi được vẽ thật đẹp trên giấy. Chính điều này đã sản sinh ra những nhà máy sản xuất đặt ở những vùng không có nguyên liệu, sản xuất cầm chừng, hiệu quả rất thấp…

Hậu quả của việc “ném tiền vào lửa” đã thấy rõ ngay. Dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên đã trở thành “đống sắt vụn”, nhà máy đạm Ninh Bình lỗ lũy kế 2.000 tỉ đồng và phải dừng hoạt động, đồng thời hàng trăm công nhân bị sa thải, đạm Hà Bắc năm 2015 bắt đầu lỗ với con số 665 tỉ đồng.

Ấy vậy mà khi cả chục ngàn tỉ đồng bị “ném vào lửa”, thiêu rụi một phần năng lực của nền kinh tế quốc gia nhưng tuyệt nhiên không hề có một lãnh đạo nào phải chịu trách nhiệm về những sai trái này. Sợi dây “rút kinh nghiệm” cứ mãi dài thêm và những phương án hỗ trợ, tăng vốn, điều chỉnh quy hoạch vẫn được đề đạt như một sự dung dưỡng cho những yếu kém và không hiệu quả.

Thủ tướng xác định rằng: “Cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cũng phải thay đổi theo hướng chấm dứt xin-cho, không bao cấp và hỗ trợ cho sự yếu kém. Mỗi doanh nghiệp cần tự đi bằng đôi chân của mình để vững bước vươn ra biển lớn. Chấm dứt lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm”. Mệnh lệnh này của Thủ tướng dù hơi muộn nhưng phải trở thành nền tảng để thực hiện cam kết về một chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ.

“Chính phủ không thể ném tiền vào lửa”. Đây phải được coi là một cam kết mạnh mẽ, khởi đầu cho một chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp với tình hình và lợi ích quốc gia. Và tuyên bố mạnh mẽ này cũng phải là khởi đầu cho một tiến trình quy trách nhiệm cho những cá nhân đã “ném tiền vào lửa”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm