Nghĩ từ ‘luật tám chữ’

Tám chữ trong luật của Hàn Quốc thời Tổng thống Park Chung Hee chỉ đơn giản là: “Cấm DN lớn làm chi tiết nhỏ”. Cùng với danh sách hơn 1.300 chi tiết mà các tập đoàn lớn không được làm, luật tám chữ, một điều mà tới nay Hàn Quốc vẫn tự hào, đã làm phát triển hàng vạn DNNVV chỉ trong ba năm.

Đọc thì dài, hoành tráng với bốn chương, 38 điều nhưng GS Phan Đăng Tuất cũng như chủ tịch nhiều hiệp hội DN Thái Nguyên, Thanh Hóa, Phú Thọ, TP.HCM… đều quan ngại về tính khả thi của dự luật.

Một đạo luật cực kỳ ngắn gọn nhưng đã làm cho không chỉ các tập đoàn lớn như Samsung, Huyndai, Daewoo của Hàn Quốc phát triển mà các DN nhỏ cũng đảm nhận được những phân khúc cao trong chuỗi sản xuất. Bởi khi đạo luật này được ban hành thì từ các tập đoàn lớn cho đến người dân đều răm rắp thi hành bằng những hành động dễ hiểu. Bởi đạo luật rất dễ hiểu, dễ thực thi.

Điều này cũng tương tự câu chuyện của Nhật Bản. Trong hai năm 1957 và 1958, Nhật Bản đã ban hành hai đạo luật: Luật Phát triển linh kiện cơ khí; Luật Phát triển linh kiện điện tử. Mỗi luật chỉ dài vài trang nhưng quy định chi tiết về nguồn lực nhà nước bỏ ra, bộ máy điều hành tinh gọn, công việc cụ thể, trọng tâm. Hai luật này lập tức đi vào cuộc sống và trở thành một trong những đòn bẩy khiến công nghiệp điện tử Nhật Bản phát triển như vũ bão cho đến ngày nay.

Dự luật Hỗ trợ DNNVV thật khác xa với những đạo luật của Nhật Bản và Hàn Quốc từ hình thức đến nội dung. Đặc biệt, với những tham vọng như thành lập quỹ hỗ trợ DNNVV cho đến những nội dung hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế, khởi nghiệp, công nghệ… dự luật đã đặt ra những nhiệm vụ quá dàn trải.

Nếu luật được thông qua thì tất cả bộ, ngành, địa phương đều phải hỗ trợ các DNNVV, trong khi đây chính là một nhiệm vụ trọng tâm đã được quy định ở các luật khác. Luật còn quy định các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng phải hỗ trợ DNNVV. Nhưng, như ông chủ tịch Hiệp hội Dệt may Vũ Đức Giang nói, nếu một cá nhân có tiền, họ sẽ góp vốn hoặc trực tiếp kinh doanh chứ không việc gì phải đi hỗ trợ cho DN.

Hơn nữa, những hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế… đã không vượt được các luật chuyên ngành. Nếu dự luật quy định cơ chế về đất đai, tín dụng, chính sách thuế đặc thù cho các DNNVV, vậy còn đâu là sự công bằng của luật pháp, sự bình đẳng của chính sách? Bởi vậy, những nội dung hỗ trợ ấy thật khó đi vào cuộc sống.

Một dự luật mà trong quá trình thai nghén đã nhận được quá nhiều ý kiến trái chiều xác đáng, thiết nghĩ các nhà soạn thảo cần xem xét lại. Bởi lý do tồn tại của bất cứ chính sách, đạo luật nào cũng phải là: Được đối tượng điều chỉnh đồng thuận.

Chỉ có như thế các đạo luật và chính sách mới thực sự là động lực để đất nước phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm