‘Người nhà lãnh đạo’

Dĩ nhiên người nhà lãnh đạo thì không phải là… lãnh đạo nhưng lại có quan hệ với lãnh đạo.

Lẽ thường tình, người nhà hay người thân của lãnh đạo chắc hẳn không phải là cái lỗi, vì chẳng ai có quyền chọn lựa nơi sinh và gia tộc, thân quyến. Mà xét cho đến cùng, dù là người thân, người nhà của lãnh đạo thì đó chỉ là quan hệ huyết tộc chứ không phải quan hệ công vụ.

câu chuyện lưu truyền rằng một vị từ miền Nam ra Hà Nội giữ cương vị lãnh đạo cao cấp. Người cháu của vị lãnh đạo này biết người thân của mình vì giữ cương vị rất cao, công vụ bề bộn nên thường mỗi lần ra Hà Nội đều lặng lẽ, không ghé thăm. Đến một hôm vị lãnh đạo cấp cao kia biết được, liền nhắn tin: “Sao cháu không đến đây?”. Người cháu đó nhắn tin xin lỗi và nói rằng: “Cháu thấy không có công vụ gì để đến cả”.

Nhiều vị lãnh đạo cũng đều ao ước con cháu, người thân, người nhà của mình có cách ứng xử, dù hơi lạnh lùng, của cháu vị lãnh đạo kia.

Bởi thực tế là câu chuyện về những cậu ấm, cô chiêu, người nhà, người thân của các vị lãnh đạo được đề bạt, nắm giữ những chức vụ cao cả trong chính quyền lẫn khu vực kinh tế lâu nay đã không còn là hiện tượng bất thường. Mà nhất là chuyện cả họ làm quan đã khiến dư luận phản ứng tiêu cực. Người ta hay truyền nhau câu hỏi: “Đồng chí này con đồng chí nào?” cũng là vì thế.

Rồi chuyện giả danh cán bộ ở trung ương, đặc phái viên của Thủ tướng… đã không còn là hiếm hoi và đã được vạch mặt đưa lên công luận khá nhiều.

Có thể tình trạng ấy trở nên quá phổ biến đến nỗi đích thân Thủ tướng phải có ý kiến với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP về việc xử lý các cá nhân tự giới thiệu, tự nhận là người nhà, người thân lãnh đạo.

Công văn ấy nêu rõ tình trạng gần đây xuất hiện một số cá nhân liên hệ công tác với các bộ, cơ quan, địa phương tự giới thiệu, tự nhận là người nhà, người thân của các đồng chí lãnh đạo để nhờ hỗ trợ, nhờ can thiệp một số việc liên quan.

Vả lại, có một điều hết sức đáng tiếc là Thủ tướng yêu cầu phải “đề cao cảnh giác, không để các đối tượng này lợi dụng thực hiện các hành vi không đúng quy định của pháp luật”.

Điều ấy cũng có nghĩa là những người “tự nhận” là người thân, người nhà của lãnh đạo đã có những hành vi tác động để công vụ méo mó, pháp luật bị lệch chuẩn.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, thói duy tình chứ không duy lý, sợ cấp trên… đã là mảnh đất màu mỡ để cái uy lực tiêu cực của “người nhà lãnh đạo” có nơi để phát triển, sinh tồn. Pháp luật, công vụ không được thi hành triệt để, nghiêm minh khiến “quan hệ” đứng trên cả “tiền tệ, hậu duệ, đồ đệ”.

 “Không được để các mối quan hệ, yếu tố bên ngoài chi phối, ảnh hưởng đến hoạt động công vụ” - một khi Thủ tướng đã đích thân phải nhắc nhở như thế thì vấn đề “người nhà lãnh đạo” đã sắp mãn tính, kinh niên.

Từ chỉ đạo của Thủ tướng, hy vọng rằng tình trạng trên sẽ được xử lý mạnh tay để chấm dứt cái thói dựa dẫm vào uy quyền làm mưa làm gió gây bức xúc trong dư luận bấy lâu nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm