Quốc hội và dấu ấn lập pháp

Ông Phúc cũng nhấn mạnh QH sẽ tập trung nâng cao chất lượng trong lĩnh vực này, thông qua việc tăng cường tính tranh luận tại QH cũng như lưu ý hơn đến công tác tham vấn chuyên gia các lĩnh vực.

Sở dĩ có điều này là vì thời gian qua một số sản phẩm lập pháp của QH có vấn đề, nhất là gần 100 lỗi sai sót trong Bộ luật Hình sự 2015 gần đây khiến dư luận xôn xao. Rút kinh nghiệm từ việc này, ông Phúc nhấn mạnh “khi thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi tại kỳ họp này, nếu ra QH còn nhiều ý kiến khác nhau thì sẵn sàng kéo tiếp sang kỳ sau nhằm đảm bảo chất lượng”. Nghĩa là không vì áp lực phải thông qua “đúng kế hoạch” mà để xảy ra những sai sót. Những sai sót như thế không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của QH mà còn gây ra những thiệt hại không nhỏ cho xã hội.

Dĩ nhiên, ai cũng hiểu năng lực lập pháp của QH là tổng hòa năng lực lập pháp của toàn bộ đại biểu. Khi mỗi đại biểu QH thực thi một cách nghiêm túc và có trách nhiệm ở mức cao nhất năng lực lập pháp của mình thì QH mới có thể làm trọn trách nhiệm lập pháp với quốc dân. Khi đó, những đạo luật được ban hành mới có tính khả thi, mới đi vào cuộc sống. Và lúc đó, những đạo luật được ban hành mới là kết quả của khả năng thẩm định, tư duy phản biện đa chiều của toàn thể QH.

Tính tranh luận của QH, nếu được tăng cường như lời của Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định thì đó sẽ là một công cụ tốt để nâng cao năng lực lập pháp. Bởi chỉ có thông qua tranh luận thì chân lý mới được làm sáng tỏ và trở thành gốc rễ cho phát triển xã hội.

Kinh nghiệm cho thấy khi tính tranh luận không được đề cao thì có thể những dự luật không đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và quy trình lập pháp sẽ vẫn làm tốn thời gian của QH, mà xét cho cùng đó là sự lãng phí nguồn lực quốc gia.

Sự thật là sức ép cải cách thể chế đòi hỏi QH phải thực thi hiệu quả chức năng lập pháp một cách có chất lượng nhất để cho ra đời những đạo luật có tính khả thi và thúc đẩy phát triển. Tinh thần này phải thấm đẫm vào từng đại biểu QH, phải trở thành kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình lập pháp, chứ không nên là một giải pháp tức thời xoa dịu những bức xúc của công luận. Bởi dấu ấn lập pháp của QH tác động một cách trực diện nhất và to lớn nhất đến toàn bộ đời sống xã hội.

Với những thông điệp được truyền đi từ cuộc họp báo về kỳ họp thứ 2, nhân dân kỳ vọng rằng cơ quan đại biểu cao nhất của mình sẽ thật sự có những bước tiến mạnh mẽ trong công tác lập pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm