Quy trình chặt sao để ‘sâu’ chui lọt?

Những khuyết điểm, vi phạm pháp luật và quy định của bà Thanh được UBKTTƯ kết luận là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân bà Thanh.

Đáng nói, theo những kết luận của UBKTTƯ và những sai phạm của bà Thanh được bạch hóa những ngày qua thì những sai phạm ấy đã bắt đầu cách đây 15 năm, khi bà Thanh còn làm giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai. Dư luận bức xúc nhưng dường như những bức xúc ấy đã bị lờ đi khi “hoạn lộ” của bà Thanh cứ mỗi giai đoạn lại phát triển lên… tầm cao mới.

Không chỉ có bà Thanh, ông Đinh La Thăng cũng bị UBKTTƯ đề nghị thi hành kỷ luật ở mức cao nhất. Tất nhiên, việc đề nghị này cũng xuất phát từ các sai phạm của ông Thăng trong quá khứ. Xa hơn một chút, trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên bí thư TP Đà Nẵng, cũng là một ví dụ cho thấy dường như các sai phạm của đảng viên, cán bộ đã chưa được xem xét thấu đáo...

Ai cũng biết rằng quy trình cán bộ của Đảng là rất nghiêm ngặt, chặt chẽ vì công tác cán bộ được xác định là “then chốt của mọi then chốt”. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao các đảng viên, cán bộ cấp cao như ông Thăng, bà Thanh, dù có nhiều sai phạm vẫn thăng tiến như không có chuyện gì xảy ra? Nếu quy trình xem xét, đề bạt, bổ nhiệm… cán bộ là chặt chẽ thì vì sao những sai phạm, vi phạm của những người như bà Thanh, ông Thăng, ông Xuân Anh đến bây giờ mới được xử lý?

Hồ sơ cán bộ là bí mật nhưng không có nghĩa là cấp ủy không thể không biết những sai phạm của cán bộ được lưu giữ trong hồ sơ. Mặt khác, nếu Đảng coi nhân dân là “tai mắt” của mình thì hàng triệu con mắt ấy chắc chắn không thể không nhìn ra những sai phạm của cán bộ, đảng viên. Trường hợp bà Thanh là ví dụ cụ thể khi từ năm 2003, những bức xúc của “tai mắt nhân dân” đã có. Nếu sự việc được xem xét, giải quyết dứt điểm khi đó có khi bà Thanh không bị UBKTTƯ đề nghị thi hành kỷ luật như hiện nay.

Đầu tháng 12-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đặt câu hỏi về công tác cán bộ rằng: “Tại sao người ta nói: Quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, cuối cùng mới là trí tuệ? Tại sao có dư luận cái gì cũng làm đúng quy trình nhưng cán bộ thì lại không đúng? Tức là dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai?”.

Những câu hỏi của Tổng Bí thư thực ra cũng là những câu trả lời cho tình trạng nhiều cán bộ dù sai phạm mà vẫn “băng băng tiến lên” đến những vị trí cao. Bởi vậy, quy trình dù chặt chẽ đến đâu, nếu không công khai, minh bạch thì “sâu” vẫn chui lọt.

Và chắc chắn UBKTTƯ sẽ còn phải đề nghị những mức kỷ luật nghiêm minh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm