Sự hài lòng của dân

Bởi đơn giản một nhà nước của dân, do dân, vì dân thì nhà nước dù làm bất cứ điều gì cũng chỉ và chỉ được hướng đến lợi ích chung của nhân dân, những người đã trao cho nhà nước quyền lực. Và rõ ràng một khi người dân chưa hài lòng thì tức là quyền làm chủ của nhân dân chưa được đảm bảo và phát huy đúng nghĩa.

Trong không ít diễn đàn, đối thoại gần đây doanh nghiệp và người dân vẫn tiếp tục kêu ca về thủ tục hành chính, về phí lót tay, phí bôi trơn, phí ngoài luồng, sự nhũng nhiễu của cán bộ… Đó là những biểu hiện sát sườn nhất về sự hài lòng của dân chúng đối với cán bộ và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.

Không cách nào khác, muốn đẩy lùi nhũng nhiễu thì người lãnh đạo cần phải “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả của cán bộ” như lời của ông Nhân nói khi đối thoại với thanh niên của TP.HCM tại buổi gặp gỡ ngày 21-5.

Để đo lường sự hài lòng của người dân, cụ thể ở đây là những thanh niên tiêu biểu đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, ông Nhân đã tiến hành ngay một khảo sát nhỏ tại cuộc gặp gỡ trên. Mất khá ít thời gian, quy trình, ông Nhân đã có được kết quả về liều lượng bức xúc của thanh niên liên quan đến các vấn về môi trường, kẹt xe, quy hoạch đô thị, tham nhũng và tội phạm.

Trước đó, cũng để đánh giá sự hài lòng của người dân, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Nội vụ và Hội Cựu chiến binh tiến hành khảo sát vấn đề này trên phạm vi cả nước. Kết quả cho thấy dù đạt được những cải thiện tích cực nhưng những than phiền của người dân vẫn còn đó.

Điều đó cũng có nghĩa là thái độ phục vụ, sự tận tâm của cán bộ, công chức của Nhà nước vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của công chúng. Lẽ dĩ nhiên sẽ khó có một nhà nước nào đáp ứng được 100% những mong đợi của công chúng. Nhưng khi những than phiền vẫn tiếp tục được cất lên thì cũng có nghĩa là Nhà nước cần nỗ lực hơn nữa trong từng hành động cụ thể của mình để phục vụ nhân dân, củng cố niềm tin của công chúng.

Còn nhớ tại lễ nhậm chức Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân từng phát biểu rằng: “Là đảng viên phải biết tuân theo nghị quyết của Đảng và biết sợ kỷ luật của Đảng. Là đảng viên, cán bộ, công chức phải biết sợ khi dân không hài lòng và phải lấy sự hài lòng của dân làm thước đo”.

Điều này không chỉ là nguyên lý mà còn là phương thức đảm bảo niềm tin của người dân vào Nhà nước, vốn từ nhân dân mà ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm