Vụ giám đốc 30 tuổi: Sao trước đó nói ‘đúng quy trình’?

Do người cha bị cho là có liên quan đến sai phạm này nên cả cha và con đều phải chịu những hình thức kỷ luật tương thích.

Tuy nhiên, cũng từ kết luận này mà nhiều người đang đặt vấn đề: Cùng căn cứ vào Quyết định 82/2004 của Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn giám đốc sở để xem xét vụ việc, vì sao trước đây những người có trách nhiệm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam và cả Bộ Nội vụ đều một mực khẳng định việc bổ nhiệm đó là đúng quy trình? Có phải do quy định chưa rõ ràng nên hiểu cách nào cũng được? Hay việc xem xét của địa phương và Bộ Nội vụ đã chưa thấu đáo, thiếu chính xác gây ra mối nghi ngờ về tính khách quan cùng năng lực thực thi công vụ?

Quyết định 82/2004 của Bộ Nội vụ yêu cầu người được bổ nhiệm làm giám đốc sở phải có năm năm công tác trở lên trong ngành (trong đó có ít nhất ba năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao); đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên.

Về thời gian công tác: Tuy còn trẻ mà giữ đến bốn chức nhưng ông Bảo có đặc điểm là không có chỗ nào ngồi nóng ghế. Năm 2008 từng đi làm nhưng phải vào năm 2012 sau khi đi du học về thì mới chính thức làm việc ở lần lượt ba cơ quan nhà nước. Riêng ở Sở KH&ĐT, tháng 4-2015 làm phó giám đốc, đến tháng 9 cùng năm lên giám đốc. Chưa rõ ông đã không trung thực như thế nào trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân như kết luận của Ủy ban Kiểm tra. Song phải đặt liền câu hỏi: Căn cứ vào đâu mà tại cuộc họp mặt báo chí thường kỳ của Bộ Nội vụ vào tháng 10-2015, bà Lê Minh Hương (Vụ phó Vụ Công chức, viên chức) lại cho rằng ông đã làm việc hơn sáu năm, tức đủ điều kiện về thời gian công tác để làm giám đốc sở?

Về việc đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính, Thông tư 11/2014 của Bộ Nội vụ đưa ra rất nhiều yêu cầu khó về các tiêu chuẩn này (gồm có tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng). Thử hỏi Bộ Nội vụ đã soát xét kỹ lưỡng trường hợp của ông Bảo hay chưa mà tại cuộc họp báo trên, một thứ trưởng cũng chắc nịch đại ý là dù chưa thi xếp ngạch nhưng ông Bảo đạt được các tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên chính, trong đó có việc ông đã có đủ thời gian công tác.

Tương tự, ông Bảo có thể thuộc diện được hưởng chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh này nhưng việc ông được bổ nhiệm làm giám đốc sở vẫn bắt buộc phải theo các quy định của Quyết định 82/2004 và Thông tư 11/2014 của Bộ Nội vụ. Vậy, công tác kiểm tra, giới thiệu nhân sự đã được tỉnh thực hiện thế nào mà trong lần trả lờiPháp Luật TP.HCM trước đây, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Xuân Thọ và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cứ tựa vào kết quả bỏ phiếu tín nhiệm ở nhiều cấp đạt 100% để khẳng định đã làm chặt chẽ, khách quan, không có vấn đề gì?

Trở lại hai câu hỏi nêu ở trên, lý do nào thì cũng phải kịp thời làm rõ để công khai chấn chỉnh, xử lý. Trước mắt, từ ý kiến của Vụ phó Lê Minh Hương ở cuộc họp báo thì có thể thấy sắp tới tiêu chí bổ nhiệm giám đốc sở không còn chung chung và đầy định tính như lâu nay mà sẽ cụ thể hơn như phải giữ ngạch chuyên viên chính. Thay đổi này là cần nhưng vẫn chưa đủ. Điều mà mọi người luôn kỳ vọng là các cơ hội thăng tiến phải được đồng đều cho mọi tài năng thông qua các phương thức tuyển chọn công khai, minh bạch, tuyệt đối không còn nạn vun vén, ưu ái kiểu con ông cháu cha.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm