NGUYÊN PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG VŨ QUỐC HÙNG:

Bảo đảm dân chủ, công khai trong bầu cử

 Việc thảo luận nhân sự và bầu cử sẽ được tiến hành thế nào? Pháp Luật TP.HCM trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ VI, VII, VIII, IX, X; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX.

Ông Hùng cho biết: Theo quy trình nhân sự của Đảng, trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Ban chấp hành (BCH) Trung ương sẽ làm công tác nhân sự, bao gồm nhân sự dự kiến BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cả tổng bí thư khóa tới. Phần báo cáo trước đại hội là về nhân sự BCH Trung ương.

Như hồi Đại hội X, báo cáo này phải làm rõ các yêu cầu về xây dựng BCH Trung ương nhiệm kỳ mới như bản lĩnh, trí tuệ, hạt nhân đoàn kết; về sự kết hợp giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; tính kế thừa, chuyển tiếp giữa BCH Trung ương các khóa, thể hiện qua tỉ lệ tái cử…

Báo cáo cũng phải nêu rõ về số lượng dự kiến BCH Trung ương khóa mới; các tiêu chuẩn của ủy viên Trung ương; chỉ rõ những loại khuyết điểm mà nếu phạm phải thì dứt khoát không giới thiệu. Kèm theo báo cáo ấy là hồ sơ chi tiết về những ứng viên được giới thiệu.

Bảo đảm dân chủ, công khai trong bầu cử ảnh 1

Đại hội sẽ lựa chọn người xứng đáng bầu vào BCH Trung ương. Ảnh: TTXVN

Hồ sơ ứng viên cực kỳ chi tiết

. Chi tiết đến mức nào, thưa ông? Hồ sơ ấy có phát cho tất cả đại biểu dự đại hội?

Bảo đảm dân chủ, công khai trong bầu cử ảnh 2
+ Rất chi tiết. Tài liệu thì đủ cả: sơ yếu lý lịch dán ảnh, nhận xét của cấp ủy quản lý, nhận xét của Trung ương và cả nhận xét nơi cư trú. Ngoài ra, hồ sơ còn có bản kê khai tài sản, đầy đủ các khoản: đất đai, nhà cửa, cổ phiếu, tiền gửi ngân hàng, tài sản có giá trị… Hồ sơ nhiều nên chỉ phát mỗi đoàn đại biểu một bộ. Còn các đại biểu được phát danh sách rút gọn, gồm tên tuổi, đơn vị công tác, vài dòng lý lịch trích ngang.

. Quá trình thảo luận, trao đổi về công tác nhân sự trong đại hội thường được tiến hành thế nào?

+ Nói chung, quá trình thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu BCH Trung ương khóa mới chỉ thực hiện tại đoàn đại biểu, chứ không đưa ra thảo luận rộng rãi tại phiên họp toàn thể. Quá trình nghiên cứu hồ sơ của các ứng viên cũng vậy.

Thời gian đại hội ngắn thôi nhưng những buổi nghiên cứu về hồ sơ nhân sự thì về nguyên tắc không hạn chế thời gian. Có đại hội tôi được phân về Đoàn đại biểu Phú Thọ, cả đoàn nghiên cứu hồ sơ rất kỹ. Ai quan tâm nội dung gì, toàn quyền ghi sổ tay. Danh sách ứng viên thì có thể cầm về nhà nghiên cứu.

Trong quá trình thảo luận, bất cứ vấn đề gì phát sinh cũng phải tổng hợp, báo cáo Đoàn chủ tịch. Sau đó Đoàn chủ tịch có thông tin lại cho các đoàn. Những vấn đề lớn, có tính nguyên tắc, liên quan đến nhân sự dự kiến là phải công khai cho đại hội.

Chuyện tự ứng cử, đề cử là bình thường

. Đại hội XI này đã có một người tự ứng cử. Có băn khoăn là như vậy có vi phạm điều cấm đảng viên không được làm?

+ Không. Quy định 19 điều đảng viên không được làm là không cho phép đảng viên tự ứng cử vào các tổ chức, cơ quan nhà nước nếu không được cấp ủy giới thiệu. Còn ứng cử trong các cấp ủy đảng thì không cấm mà còn là quyền của đảng viên, được quy định trong điều lệ.

. Tại đại hội, việc tự ứng cử, đề cử thực hiện ra sao, thưa ông?

+ Tại đại hội, nội dung nhân sự chủ yếu thực hiện tại đoàn nên tại đó các đại biểu thực hiện luôn quyền tự ứng cử và đề cử. Có thể đề cử cả đảng viên là đại biểu dự đại hội và cả đảng viên không phải là đại biểu. Nhưng đề cử như vậy phải được sự đồng ý của người được đề cử.

. Ở các đại hội mà ông dự, có trường hợp nào tự ứng cử hoặc được đề cử ngoài danh sách giới thiệu của Trung ương không và khả năng trúng cử thế nào?

+ Nên coi việc tự ứng cử, được đề cử ngoài danh sách Trung ương giới thiệu là chuyện bình thường. Vì đại hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng, quyết định những vấn đề hệ trọng nhất của Đảng, trong đó có nhân sự.

Tuy nhiên, thực tế các kỳ đại hội, số ấy không nhiều, khả năng trúng cử lại thấp… Tôi nhớ chỉ có hai trường hợp, một ở Bộ Y tế, một ở Bộ Giao thông vận tải, không trong danh sách giới thiệu nhưng ra đại hội được đề cử bổ sung. Cả hai lọt qua vòng biểu quyết danh sách chính thức và trúng cử ủy viên Trung ương.

Khuyến khích công khai, thẳng thắn

. Cho đến nay, các quy định về bầu cử trong Đảng vẫn cấm tuyên truyền, vận động bầu cử. Nên hiểu điều đó thế nào?

+ Đây là để đề phòng những hoạt động mang tính bè phái. Không thể đến ngày bầu cử thì đâu đó lại bắn một loạt tin nhắn điện thoại không bầu cho người này, người kia.

Còn thảo luận, tìm hiểu thông tin về nhân sự thì không hạn chế. Đại biểu nào thắc mắc điều gì, cần thông tin gì về ứng viên cụ thể đều có quyền thông qua trưởng đoàn, yêu cầu Đoàn chủ tịch cung cấp. Nguyên tắc sinh hoạt trong Đảng là thế, khuyến khích công khai, thẳng thắn, tình đồng chí với nhau.

Như những đại hội tôi dự, trao đổi rất thoải mái. Đại biểu trong, ngoài đoàn đều có thể gặp gỡ, chia sẻ với nhau trước khi bỏ phiếu.

. Nhưng nếu qua thảo luận mà có thông tin mới về sai phạm của ứng viên thì sao?

+ Quy định là trước đại hội mấy ngày là dừng giải quyết tố cáo liên quan đến nhân sự rồi. Nên nếu có nữa thì cũng chỉ được phát biểu tại đoàn đại biểu; không được tung ra đại hội mà báo cho Đoàn chủ tịch ghi nhận, xem xét giải quyết sau thôi.

Vấn đề mới nhất là chất vấn trong Đảng theo như tôi biết, nếu có muốn chất vấn ứng viên trong danh sách bầu cử thì cũng phải trao đổi với Đoàn chủ tịch chứ không thể tự ý đưa ra đại hội.

Đánh giá người không chỉ nhìn vào lá phiếu

. Thưa ông, thông tin từ Đại hội XI là danh sách bầu cử sẽ có số dư. Nhưng liệu có thể xảy ra trường hợp là số trúng cử không đủ số lượng dự kiến không?

+ Tôi nhớ là các đại hội trước, số được quá bán còn nhiều hơn cả số lượng dự kiến nên phải lấy kết quả từ cao xuống thấp và có những đồng chí được trên 50% mà không vào BCH Trung ương. Tuy nhiên, quy chế bầu cử cũng dự liệu cả những trường hợp bầu không đủ, hoặc số quá bán dư nhưng có nhiều người được cùng tỉ lệ phiếu như nhau phải bầu chọn lại. Nói chung, các tình huống phức tạp đều phải có giải pháp hết.

. Về kết quả bầu nhân sự trung ương, cho đến nay chỉ công bố danh sách trúng cử chứ không chi tiết tỉ lệ phiếu bầu. Tại sao vậy?

+ Tôi cho là có lo ngại về tâm lý xã hội, hay nhìn vào số phiếu mà đánh giá cán bộ. Thực ra, có những đồng chí công tác ở vị trí va chạm nhiều thì yêu, ghét cũng nhiều. Các đồng chí ấy có khi trúng cử với số phiếu không cao bằng những người ở vị trí khuất, ít người biết. Vì thế, không thể chỉ nhìn vào số phiếu mà đánh giá người này năng lực, giỏi giang, uy tín hơn người kia. Còn muốn so sánh thì phải so những người ở vị trí “nhạy cảm” tương đương nhau. Như thế có ý nghĩa hơn.

. Xin cảm ơn ông.

Trung ương khóa mới: 175 chính thức, 25 dự khuyết

Theo Thông cáo báo chí Đại hội XI ngày 15-1, đại hội đã nghe Đoàn chủ tịch trình bày về báo cáo của Trung ương khóa X về công tác nhân sự của BCH Trung ương khóa XI. Đại hội đã biểu quyết với 100% ý kiến đồng ý về số lượng thành viên BCH Trung ương Đảng khóa XI, gồm 175 ủy viên chính thức, 25 ủy viên dự khuyết (BCH Trung ương khóa X có 160 ủy viên chính thức, 25 dự khuyết - PV).

Trước khi các đại biểu về thảo luận tại đoàn về tiêu chuẩn, cơ cấu và nghiên cứu hồ sơ, tài liệu về công tác nhân sự, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã phát biểu ý kiến về một số điểm cần lưu ý.

Hôm nay (16-1), các đại biểu tiếp tục làm việc tại đoàn về nội dung nhân sự.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm