Bùn đổ xuống biển, làm sao hốt lên được?

Không thể không đặt nhiều câu hỏi về quyết định này khi vị trí nhấn chìm cách vành đai Khu bảo tồn Hòn Cau, khu bảo tồn có giá trị đặc biệt đối với môi trường biển Việt Nam, chỉ hơn một hải lý (2.000 m). Và tất cả rủi ro được tính toán không qua thực nghiệm mà chỉ dựa trên mô hình phần mềm.

Còn nhớ trong một lần trao đổi với báo chí bên lề diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2016, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã từng phát biểu rõ quan điểm của ông là không thể đổ chất thải xuống biển. “Không thể làm thế được!” - ông Trần Hồng Hà đã nói như thế trong năm 2016.

Vậy điều đó đã được thể hiện như thế nào với quyết định trên, khi không ít nhà hải dương học uy tín của Việt Nam đã bày tỏ sự lo ngại rất lớn trước việc nhận chìm khối lượng bùn, cát khổng lồ ngay mặt tiền của Khu bảo tồn biển Hòn Cau? Các khả năng gây xáo trộn đến cấu trúc, đời sống của sinh thái biển trong khu vực này là hoàn toàn có thể thấy trước được.

Quyết định trên có nêu “Hội đồng thẩm định với sự tham gia của 22 thành viên là các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sinh thái, hải dương học, đại diện Ban quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận và đại diện các bộ, ngành liên quan. Kết quả đa số thành viên hội đồng thẩm định đều chấp thuận…”. Nhưng câu hỏi đặt ra đa số là bao nhiêu? Các thông tin này đã không được công khai cho dư luận.

Chúng tôi cũng không rõ hội đồng trên có lấy ý kiến thăm dò của người dân địa phương hay không. Còn trong quyết định này không có dòng nào nhắc đến việc ý kiến dân địa phương cả, trong khi nó ảnh hưởng vô cùng lớn đến môi trường sống và sinh kế của hàng vạn người dân.

Ai chịu trách nhiệm nếu các rủi ro xảy ra? Quyết định trên nêu Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 “phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Vâng, công ty có thể chịu về hậu quả xảy ra nếu làm sai quy định của giấy phép. Nhưng làm sao chịu trách nhiệm hết trước sự tổn thương đối với môi trường biển, đời sống của hàng vạn người dân, thưa các ông?

Bùn, cát... một khi đổ xuống biển thì sẽ lấp bề mặt đáy biển và gây tác động trực tiếp đến sinh vật tầng đáy, đặc biệt là san hô. Không có san hô, hệ sinh thái gắn bó cơ hữu với san hô không còn thức ăn. Hệ sinh thái này “chết đói”, nghĩa là “chuỗi thức ăn” dưới đáy biển sẽ không còn tồn tại. Tôi có niềm tin nội tâm lớn lao rằng Bộ TN&MT biết rõ điều này cũng như biết rõ một khi bùn đã đổ xuống thì không phải muốn múc lên mà không gây ảnh hưởng là được.

Điều gì đã khiến Bộ TN&MT có một quyết định như trên? Câu hỏi lớn ấy cần phải được lãnh đạo bộ này trả lời trước công luận!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm