Cái giá của tiết kiệm ngân sách

Còn nhớ tại hội trường Quốc hội hồi tháng 6-2017, ông Chính đã nêu vấn đề này ra trước nghị trường. Ông “kiên trì” bởi nếu chỉ tiết kiệm chi thường xuyên 1% thôi thì mỗi năm đã có ngay 10.000 tỉ đồng. Con số này là rất đáng kể khi Chính phủ mới bố trí được 5.000 tỉ cho dự án này và số còn thiếu lên tới 18.000 tỉ đồng.

Ông Chính “kiên trì” cũng vì bởi trong số 65% ngân sách dành cho chi thường xuyên hiện nay nhiều khoản chi chỉ là lễ hội, lễ kỷ niệm, sửa chữa những hạng mục không cần thiết, tốn kém. “Chúng ta phân bổ ra mỗi địa phương, bộ, ngành tiết kiệm một chút là “góp gió thành bão”” - ông Chính nói vậy. Ý kiến của ông Chính cũng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều đại biểu đồng tình.

Cũng vì bởi xét ra, những hoạt động lãng phí tiền tỉ không còn phải là hiếm hoi trên đất nước này. Có những tỉnh dịp kỷ niệm thành lập đã chi tiền tỉ chỉ để tặng mỗi đại biểu một bộ ấm chén. Lại còn có tỉnh chi tới trăm tỉ chỉ để dựng một cái cổng chào. Có tập đoàn chi hàng chục tỉ chỉ để làm cho mỗi người một kỷ niệm chương.

Không chỉ có vậy, nhiều nơi vẫn cố gắng xây dựng trụ sở hoành tráng bất chấp thu không đủ chi. Nhiều vỉa hè còn tốt vẫn phá đi làm lại. Nhiều con đường vừa làm xong đã hỏng, phải sửa đi sửa lại. Ấy là chưa kể đến những dự án đầu tư ngàn tỉ giờ “đắp chiếu”, lỗ nặng. Cộng tất cả dự án thua lỗ đó lại thì con số thất thoát, lãng phí lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.

Đáng nói, những thứ đó thực sự chưa phải là cần thiết hoặc nó cho thấy sự quá vung tiền trong tình hình tài chính khó khăn hiện nay. Tất cả đang khắc họa một bức tranh… lãng phí khủng khiếp.

Tiết kiệm hay “thắt lưng buộc bụng”, thực ra không phải là điều gì quá đỗi xa lạ. Bởi từ lúc chúng ta đã xác định “tiết kiệm là quốc sách”. Cứ theo lời ông Chính thì năm 2007 khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, Việt Nam đã thực hiện chính sách này. Cũng mới đây, TP Hà Nội đã tiết kiệm được tới 5.000 tỉ đồng.

Nhìn ra thế giới, Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai cũng đã thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Và sự vươn lên thần kỳ về kinh tế của Nhật Bản chính là kết quả của chính sách ấy…

Rõ ràng tình hình hiện nay đang rất khó khăn. Và có lẽ lúc này “thắt lưng buộc bụng” mới có cơ hội trở thành giải pháp tối ưu cho phát triển, không chỉ với dự án sân bay Long Thành.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khi trao đổi riêng bên hành lang Quốc hội mới đây cũng nhận định: Nếu không thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm ngân sách, cứ tăng chi thường xuyên thì chỉ có “miệng ăn núi lở”.

 “Tiết kiệm là quốc sách” và nó phải được thực thi như là một “quốc sách hàng đầu”. Bởi không tiết kiệm thì mọi sự cố gắng của chúng ta rất có thể đều sẽ bị vùi trong mớ tiêu tàn, hoang phí!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm