Chữa bệnh cho ‘con sâu’ pháp lý

Có 10 quy định pháp luật sẽ được bình chọn tốt nhất và 10 quy định được bình chọn tồi nhất!

Nhìn thoáng qua các phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) năm 2015, dễ thấy có những quy định khá được lòng DN như rút ngắn thời gian đăng ký DN, bỏ ghi ngành nghề trên giấy phép, tùy chọn mẫu con dấu...

Cũng có những quy định khiến DN phản ứng suốt thời gian dài và chỉ ra rõ các hao tốn, bất hợp lý, kiểu như quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyde trong tất cả vải nhập khẩu khiến DN tốn 500-600 triệu đồng/năm mà số vụ phát hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hay như quy định điều kiện nhập khẩu máy móc cũ đã qua sử dụng với các con số về tiêu chí khiến DN ngành in và ngành cơ khí vừa cười vừa mếu vì không hiểu các cơ quan quản lý dựa trên căn cứ khoa học nào mà đưa ra...

Một điều đáng tiếc ở cuộc bình chọn này là chỉ bình chọn quy định pháp luật. Trong khi đó thời gian qua không ít các phản ánh vướng mắc của DN lại không nằm ở quy định pháp luật! Nó nằm ở các công văn, các hướng dẫn chỉ đạo của bộ, ngành hoặc của cơ quan thừa hành ở cấp địa phương “sáng tạo” ra. Ví dụ như không có quy định nào về ký xác nhận thông quan hàng hóa nhập khẩu nhưng DN phản ánh rằng tại một số chi cục hải quan ở TP.HCM thì đòi DN làm thủ tục này. Hay như thông tư hướng dẫn về thuế không nói rõ cách xác định doanh thu và thuế đối với cá nhân kinh doanh khiến các địa phương xém chút nữa là thu thuế gấp đôi...

Có lẽ ở bất cứ đâu, cộng đồng DN vẫn phải mất thời gian làm thủ tục, mất tiền đóng phí, chịu sự quản lý của Nhà nước để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng. Khác nhau ở chỗ thời gian đó là bao nhiêu, mức phí có chấp nhận được không, thực hiện thủ tục có thuận tiện không... Cách bình chọn quy định tồi nhất như trên cũng đã từng được châu Âu thực hiện. Năm 2013, các DN Bỉ bình chọn 10 quy định của châu Âu gây phiền toái nhất cho DN nhỏ, đã chỉ ra các quy định như thuế giá trị gia tăng, quy định về bảo vệ dữ liệu, quy định công nhận trình độ chuyên môn, quy định buộc lắp đặt thiết bị ghi âm trong xe và thời gian nghỉ ngơi cho tài xế,... đã gây tốn kém thời gian, tiền bạc, khó khăn cho DN.

Việc chỉ ra quy định tốt và tồi nhất gián tiếp sẽ chỉ ra được “con sâu” nào đang gây trở ngại cho cộng đồng DN. Đằng sau cuộc bình chọn của VCCI, đương nhiên cộng đồng DN vẫn mong muốn có thể tóm được, bắt được và loại bỏ “con sâu” chứ không phải chỉ ra rồi thôi. Ví dụ như sau cuộc bình chọn của DN Bỉ, các quy định phiền toái trên đã được thảo luận để sửa đổi, ví dụ như giảm chi phí đăng ký hóa chất, không bắt lắp thiết bị ghi âm nếu xe chỉ hoạt động quanh quẩn trong bán kính 100 km,…

Quan trọng là sau khi nhìn rõ 10 “con sâu” bự nhất làng, các bộ, ngành của chúng ta có giống như các bộ, ngành ở châu Âu, chấp nhận kết quả “đội sổ” và quyết liệt thay đổi nó hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm