DN nào nhận nhiều huân chương quá cũng phải coi lại...

Ông Nguyễn Đức Kiên cũng không úp mở khi đề cập rằng: “Nếu có DN nào nhận nhiều huân chương quá cũng phải coi lại. Bởi có những DN làm ăn bết bát, cứ lo đi “chạy” huân chương và không còn thời gian kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm và có lãi”.

Những nhận xét của ông Nguyễn Đức Kiên có thể không đúng cho tất cả DN được tặng thưởng huân chương nhưng nó trùng với cảnh báo của TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, rằng: “Phải tránh tình trạng hôm trước nhận huân chương, hôm sau bị bắt”.

Bởi lẽ đối với một DN thì số việc làm tạo ra, lợi nhuận thu được, số thuế đóng cho Nhà nước… có lẽ mới là yếu tố quyết định DN ấy có xứng đáng nhận những huân chương, bằng khen cao quý của Đảng và Nhà nước hay không. Điều này cũng chính là sự trung thực, điều cốt lõi làm nên tính chính danh và sự bền vững trong công tác thi đua, khen thưởng.

Nguyên tắc ấy không chỉ đúng với việc tặng thưởng những danh hiệu cao quý cho DN mà còn đúng với cả việc khen thưởng cá nhân, tổ chức, địa phương trên cả nước. Bởi lẽ công tác khen thưởng hiện nay không hẳn lúc nào cũng tuân thủ nguyên tắc ấy. Việc khen thưởng đôi khi làm theo phong trào và vì lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ hơn là vì thực chất những sáng kiến, việc làm, hành động có tác dụng thay đổi xã hội.

Điều đó được chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập tại cuộc họp của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương ngày 23-2. Thủ tướng nói: “Khen thưởng nhiều nhưng kết quả công việc trong ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương vẫn chuyển biến chậm, hiệu quả thấp là không thể chấp nhận được”.

Nhận định của Thủ tướng cũng chính là một yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay khi không ít địa phương nhận huân chương, bằng khen nhưng vẫn phải xin trung ương hỗ trợ gạo. Không ít bộ, ngành được nhận huân chương nhưng người dân và DN vẫn kêu ca về nhũng nhiễu, tiêu cực. Không ít tổ chức treo ở văn phòng nhiều bằng khen nhưng hoạt động vẫn không có gì nổi bật.

Yêu cầu của Thủ tướng cũng có nghĩa là: Mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức, đơn vị trong toàn bộ hệ thống chính trị phải đi vào thực chất. Các phong trào được phát động phải thực sự hướng đến mục tiêu là phục vụ người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Chính Thủ tướng đã minh định điều này khi nói rằng: “Các phong trào thi đua phải có mục tiêu thiết thực, cụ thể, “đừng có hô hào suông mà phải gắn với thực tiễn cuộc sống”. Làm sao chấm dứt hình thức, đi vào thực chất là vấn đề đặt ra rất lớn”.

Bởi tất cả yếu tố đó là rất quan trọng cho việc nâng cao hình ảnh và tính cạnh tranh của quốc gia. Nếu không, tất cả hình thức khen thưởng, dù là nhỏ nhất cũng chỉ là ánh hào quang trang trí cho những thành tích phù du.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm