Đừng để dân ta sợ thịt, cá, rau của dân mình

Đơn giản bởi nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của hiệp định thì hàng hóa Việt, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi không thể xuất khẩu sang nước khác. Ngược lại, sản phẩm của các nước trong khối TPP, nhất là Mỹ, Úc, Canada… vốn có khả năng cạnh tranh vượt trội, an toàn sẽ tràn vào Việt Nam đè bẹp hàng sản xuất trong nước.

Thế nhưng an toàn thực phẩm lại đang được xem là “tử huyệt” của ngành chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Việc liên tục phát hiện chất cấm, chất tạo nạc, dư lượng chất kháng sinh trong thịt heo, thịt gà… thực sự gây lo lắng cho người tiêu dùng. “Bây giờ ăn cái gì cũng thấy sợ” - nhiều người nói như vậy khi ngồi vào bàn ăn.

Và hệ quả thì ai cũng nhìn thấy: Người tiêu dùng quay lưng với những sản phẩm thiếu an toàn, đang âm thầm từng ngày gặm nhấm sức khỏe của mọi người.

Từ đó có thể thấy chưa nói đến việc hàng hóa ngoại nhập với thuế suất nhập khẩu khi về 0% sẽ hạ gục hàng Việt mà bản thân chúng ta đang tự hại mình, hay nói cách khác là ta “tự thua”. Hàng Việt mất thị trường, mất thị phần ngay trên sân nhà là điều dễ hiểu.

Nhiều người thường đổ lỗi cho nông dân vì hám lợi trước mắt mà không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng chất cấm, chất tạo nạc hay thuốc trừ sâu quá mức cho phép. Do đó bên cạnh việc trừng phạt nặng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người chăn nuôi, trồng trọt thấy được tác hại của việc sử dụng chất cấm, chất kháng sinh.

Điều đó là đúng nhưng chưa đủ. Trên thực tế, hồi chuông báo động về an toàn thực phẩm, đặc biệt là kiểm soát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được gióng lên từ lâu và cũng đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng kết quả thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Nguyên nhân gốc rễ nằm ở đâu? Với các nước, họ đưa ra được những hàng rào kỹ thuật chặt chẽ nhằm kiểm soát từ khâu chuồng trại, đồng ruộng, chế biến đến tận bàn ăn. Bởi vậy khi bất cứ sản phẩm nào có “vấn đề”, họ có thể truy ngay ra nguồn gốc xuất xứ và từ đó truy người làm ra sản phẩm đó để trừng phạt. Với chúng ta thì sao? Câu trả lời là vô phương bởi không truy xuất được nguồn gốc và không biết quy trách nhiệm cho ai.

Chưa hết, hiện có rất nhiều bộ, ban ngành đồng quản lý về an toàn thực phẩm như miếng thịt, quả trứng, bó rau. Đáng tiếc là khi xảy ra sự cố thì “cha chung không ai khóc”, không ai chịu trách nhiệm.

Một số chuyên gia nhìn nhận rằng để hội nhập thành công, trước hết phải là Nhà nước sau đó mới đến doanh nghiệp, nông dân. Một khi lỗ hổng trách nhiệm chưa được bịt lại, hệ thống pháp lý chưa được hoàn thiện thì việc kiểm soát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ còn là bài toán nan giải.

Đây quả là một trong những thử thách lớn đối với ngành nông nghiệp nếu chúng ta muốn hội nhập thành công. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm