Kết quả từ việc biết lắng nghe

Cũng như hàng vạn phụ huynh khác khắp cả nước, cảm nhận về kỳ thi THPT năm nay của vị phụ huynh này là sự nhẹ nhàng, thoải mái đến bất ngờ. Những hình ảnh kẹt đường, ùn tắc giao thông trước cửa các hội đồng thi; những hình ảnh phụ huynh và học sinh rồng rắn xuống các bến xe, sân ga kéo về các TP lớn TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vinh… tìm nhà trọ ám ảnh một thời thì nay không còn nữa.

Kiểm tra công tác thi tại ĐH Thủy Lợi, Hà Nội sáng 1-7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đến hỏi chuyện các phụ huynh đang thoải mái đợi con ngoài phòng thi và nói: “Năm nay có đổi mới là giám thị và nơi tổ chức thi được bao quát trên toàn quốc. Học sinh và phụ huynh có thể sáng đi thi, chiều về nhà”.

Với tinh thần tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh đi thi, trong những năm qua kỳ thi THPT liên tục được ngành GD&ĐT lấy ý kiến xã hội để tiếp tục đổi mới. Rút kinh nghiệm sâu sắc từ kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên với hai mục đích vừa công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở xét tuyển ĐH (được tổ chức năm 2015), năm nay Bộ GD&ĐT đi đến một quyết định mạnh mẽ: Thí sinh ở tỉnh, thành nào thì thi ở tỉnh, thành nấy. Theo đó, mỗi tỉnh, thành có ít nhất một cụm thi do trường ĐH chủ trì và một cụm thi do Sở GD&ĐT địa phương chủ trì (cụm thi này dành cho các thí sinh thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT). Chủ trương này lập tức được các địa phương và phụ huynh hoan nghênh vì con em họ khỏi phải đi xa. Số cụm thi lập tức tăng vọt từ 38 (năm 2015) lên 120 cụm của năm nay.

Tất nhiên, việc tổ chức cụm thi tại các địa phương làm cho các trường ĐH chủ trì hoặc phối hợp với địa phương vất vả hơn. Các trường ĐH phải cắt cử hàng vạn giám thị coi thi rải đều khắp cả nước. Nhưng ngành giáo dục đã quyết gánh lấy phần cực về phía mình để tạo sự nhẹ nhàng hơn cho thí sinh và gia đình trong mùa thi này.

Có thể nói rằng việc đổi mới bước đầu đã mang lại kết quả. Tuy đến nay chưa thể thống kê được số tiền mà toàn xã hội tiết kiệm do không phải đi lại nhiều, nhu cầu nhà trọ giảm… qua kỳ thi này (chắc chắn là rất lớn) nhưng có thể khẳng định rằng kỳ thi đã xóa tan áp lực căng thẳng của xã hội.

Đó là kết quả của sự lắng nghe đầy sẻ chia và trách nhiệm của ngành giáo dục!

Mong rằng điều này sẽ tiếp tục được phát huy trong giai đoạn xét tuyển ĐH, CĐ từ ngày 1-8 tới đây. Nếu đợt xét tuyển sắp tới suôn sẻ thì niềm vui của một kỳ thi đổi mới 2016 sẽ trọn vẹn hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm