Khi ‘nguồn nguy hiểm cao độ’ là con người

Ba ngày trước tại TP.HCM, anh Trần Hồng Phong ở quận Bình Thạnh bị người hàng xóm ngáo đá Nguyễn Minh Nhật đâm tử vong tại nhà. Cái chết của anh Phong dường như được tiên liệu vì trước đó Nhật từng vào nhà đánh anh vì ảo giác do ma túy đá. Gia đình rao bán nhà, chuyển chỗ ở vì lo sợ “nguồn nguy hiểm cao độ” sống bên cạnh mình nhưng nhà chưa kịp bán thì xảy ra chuyện

Hôm qua tại Hà Giang, một người vừa chữa trị tâm thần trở về nhà chưa đầy năm tháng đã chém chết bốn người thân. Trước đó, bệnh nhân tâm thần này đã sát hại con mình và bị đưa đi chữa bệnh thần kinh, vừa trở về nhà chỉ hơn bốn tháng…

Hai vụ án đều do người có thần kinh không bình thường gây ra nhưng có cái khác là một người tự đặt mình vào tình trạng không kiểm soát và phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi của mình. Người còn lại có khả năng rất lớn là tái phát bệnh cũ và nếu đúng như vậy, nghi can sẽ không chịu trách nhiệm hành vi.

Vấn đề đặt ra ở đây là ai, cơ quan nào sẽ quản lý những người “không bình thường” này. Có quá nhiều đề án, chương trình, biện pháp… của các cơ quan chức năng nhưng vẫn không ngăn được thảm án do những người thần kinh không bình thường gây ra. Với người bị thần kinh, công an chỉ có thể vận động gia đình đưa người bệnh đi chữa; còn với người nghiện ma túy đá, cơ quan chức năng ưu tiên quản lý, giáo dục tại cộng đồng.

Hơi khập khiễng nhưng người tâm thần và nghiện ma túy đá đang trở thành “nguồn nguy hiểm cao độ” vì chính sách ưu tiên không tách họ ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, được sống trong môi trường trong sạch, lành mạnh, an toàn… là nhu cầu chính đáng, thiết thân mà bất kỳ nhà quản trị xã hội nào cũng phải đáp ứng cho người dân và các biện pháp ngăn ngừa hiện tại dường như chưa đáp ứng được. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có cách quản lý khác với người ngáo đá và người tâm thần để người dân không nơm nớp lo sợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm