Kỷ luật cán bộ và đòi hỏi của người dân

Tuy nhiên, từ sau Đại hội Đảng XII đến nay, mới 20 tháng, cơ quan kiểm tra cao nhất của Đảng đã họp tới 18 kỳ, chủ yếu về các nội dung kiểm tra, kỷ luật.

Đảng có một nguyên tắc quan trọng: Đảng viên đã có vi phạm là phải kiểm tra, kỷ luật và mức kỷ luật là như nhau, bất kể đương chức hay nghỉ hưu. Trên nguyên tắc ấy, từ đầu khóa đến nay, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định kỷ luật từ cảnh cáo tới cách chức, đồng ý cho thôi chức với bốn ủy viên Trung ương, trong đó hai người là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương đương nhiệm.

Các con số ấy cho thấy mức độ quyết liệt của công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng vốn được Đại hội XII đề cao ngay trong văn kiện của mình. Những lời văn trong nghị quyết đã được minh chứng bằng những hành động, quyết định cụ thể trong thực tiễn.

Các vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng được chỉ ra với từng cá nhân liên quan, dù là ông Vũ Huy Hoàng (đã bị cách chức nguyên bộ trưởng Bộ Công Thương) hay mới nhất là ông Nguyễn Xuân Anh, trực tiếp hay gián tiếp, đều thể hiện điều đó.

Đó không chỉ là sai phạm trực tiếp của các quan chức cấp cao bị kỷ luật, mà dường như còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém từ khâu ban đầu là công tác cán bộ đến cuối cùng là giám sát, kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Rõ ràng, nếu giám sát, kiểm tra tốt thì đã không phải nhiều năm sau khi sai phạm xảy ra mới kỷ luật, cách cái chức nguyên. Nếu công tác cán bộ tốt thì đã không để những nhân sự như vậy lọt vào nhiệm kỳ này, để rồi phải xin thôi chức sau khi nhận án kỷ luật.

Những gì đang diễn ra cho thấy Đảng đang dọn dẹp, sửa chữa những hạn chế, yếu kém trước đây và quyết tâm không để tái diễn những sai phạm, khuyết điểm ấy nữa. Nhưng đây là quá trình đầy khó khăn, thách thức, bởi không đơn giản chỉ là kỷ luật, cách chức, cho thôi chức một vài con người cụ thể, mà còn phải tiến hành nhiều công việc nặng nề.

Đó là tổ chức, biên chế cả hệ thống chính trị. Là sắp xếp bộ máy các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức chính trị-xã hội chồng chéo chức năng. Là hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho người dân mà sau bao năm đổi mới vẫn chưa đáp ứng nguyện vọng nhân dân.

Mong đợi của người dân không chỉ là quan chức có sai phạm thì phải bị trừng phạt mà quan trọng hơn, những hạn chế, yếu kém ấy của hệ thống phải sớm được khắc phục, sửa chữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm