Phá rừng Sóc Sơn: Bất ngờ với kiến nghị của Thanh tra Hà Nội

Kết luận thanh tra vừa được công bố này đang làm nhiều người rất không ngờ là có lắm cán bộ, quan chức tệ hại đến vậy.

Từ năm 2008, UBND bảy xãcó đất rừng, UBND huyện, ban quản lý rừng, Sở NN&PTNT đã buông lỏng quản lý, bỏ mặc cho ai nấy muốn sử dụng, mua bán, tự ý xây nhà ở, nhà vườn… sao cũng được. Đến năm 2012, bất chấp quyết định của UBND TP, UBND huyện đã phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới chồng lên quy hoạch đất rừng của tám xã với tổng diện tích hơn 340 ha.

Không chỉ là không xử lý các vi phạm cũ, các cơ quan nói trên còn công khai tiếp tay cho rất nhiều vi phạm mới bùng phát. UBND các xã xác nhận, chứng thực cho các hộ mua bán đất rừng. Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng TN&MT, UBND huyện thản nhiên cấp giấy đỏ, cho phép chuyển nhượng. Đội quản lý trật tự xây dựng huyện thì không kiểm tra, mặc kệ nhiều công trình quy mô lớn thi nhau mọc lên…

Tưởng tượng nổi không! Rừng nào chịu thấu trước các sai phạm tiếp diễn hết năm này đến năm khác, hết cán bộ, quan chức này đến cán bộ, quan chức khác. Như thể tài nguyên rừng không có chủ; như thể ở đó không có pháp luật về rừng.

Kết luận thanh tra đã chỉ mặt điểm tên nhiều cá nhân, cơ quan phải chịu trách nhiệm trong vụ việc. Gồm có: chủ tịch, phó chủ tịch xã phụ trách đất đai, thanh tra xây dựng, cán bộ địa chính xã, ban quản lý rừng phòng hộ-đặc dụng, Phòng TN&MT, Đội thanh tra xây dựng huyện. Đồng thời còn có chủ tịch, phó chủ tịch huyện phụ trách đất đai, xây dựng, Sở TN&MT (từ năm 2008 đến nay); Thanh tra Sở Xây dựng (giai đoạn 2014-2016).

Thanh tra TP Hà Nội cũng đề nghị UBND TP giao UBND huyện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm. Cùng với đó, các sở NN&PTNT, TN&MT, Xây dựng cần kiểm điểm rút kinh nghiệm các đơn vị dưới quyền về các thiếu sót. Chỉ riêng đối với những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua bán đất dẫn đến sự tồn tại của nhiều công trình vi phạm thì được đề xuất chuyển sang cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội xem xét, xử lý.

Đối với các công trình vi phạm về xây dựng trong hai năm 2017, 2018, cơ quan thanh tra đề nghị huyện cần phải cưỡng chế để trả lại nguyên trạng. Các trường hợp vi phạm khác sẽ có phương án xử lý phù hợp để bảo đảm đất đai được sử dụng đúng mục đích.

Tại sao chỉ chuyển sang cơ quan công an những trường hợp đã làm sai trong việc chứng thực, xác nhận mua bán đất? Hỏi vậy vì ngoài các nhân sự cấp xã thì còn có rất nhiều người có chức quyền ở cấp huyện, TP đã tham gia việc “xẻ thịt” mấy trăm hecta rừng, cho ung dung tồn tại cả ngàn công trình xây dựng trái phép.

Khi hậu quả khủng phát sinh từ sự thiếu trách nhiệm, nói trắng ra là từ tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, việc các quan đó chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm hoặc hơn nữa là kỷ luật thì có là “phủi bụi”?

Vì rừng và vì kỷ cương, Thanh tra TP Hà Nội đã yêu cầu người dân vi phạm phải nhận những chế tài ở mức cao nhất. Cũng vì rừng, vì phép nước, những cán bộ mắc lỗi nặng, kéo dài… phải nhận những hình phạt cao nhất, trong đó có việc bị truy cứu tội thiếu trách nhiệm hay các tội phù hợp khác chứ!

Tức bất kỳ mọi vi phạm nào với rừng, bất kỳ đó là ai cũng đều phải bị xử lý thật nhanh, thật thích đáng để tránh cái sảy nảy cái ung, để có sự hợp lý, công bằng.

Hãy chờ quyết định đúng đắn của UBND TP Hà Nội, nhất là khi nạn mất rừng đang ở mức báo động đỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm