Loa khủng karaoke: Lý giải sự thúc thủ của chính quyền

Trong chuyện hát karaoke tại nhà hoặc ở ngoài đường, nhiều người đá rất đơn giản “mình thích thì mình hát thôi!”. Ít khi họ thử đặt mình là người nghe bên ngoài để biết cảm nhận giới hạn của sức chịu đựng khi nhiều tiếng hát nghiệp dư ngẫu hứng mà phần lớn có nhiều hơi men cứ đua nhau cất lên. Âm thanh phát ra càng lớn thì sự phấn khích trong họ càng tăng khiến các loa khủng ngày càng được ưa chuộng.

Minh họa: TNO

Về phía các nạn nhân, dẫu ấm ức, không bằng lòng nhưng vì ngại xung đột với hàng xóm đã chọn cách im lặng hoặc tức quá thì lên Facebook méc với bạn bè. Từ chỗ thường không được thẳng thắn nhắc nhở điều chỉnh âm thanh, hành vi sao cho phù hợp với chỗ đông người, những “tội đồ” gây ồn tiếp tục tăng lên chóng mặt.

Điều cần nói là vai trò của chính quyền trong việc hạn chế sai phạm từ các loa khủng karaoke có phần mờ nhạt. Bất kể có nhiều người đã mạnh dạn kêu cứu, nhiều phường, xã vẫn ngó lơ hoặc lặp đi lặp lại điệp khúc “để vận động, nhắc nhở” khiến dư luận thất vọng. Sự thể xảy ra do một số cán bộ vì thiếu trách nhiệm trước nỗi khổ của dân nên ngại bỏ công dẹp loạn nhóm gây ồn? Thật đáng tiếc khi ngoài lý do này còn có những nguyên nhân sâu xa khác thuộc về chính sách.

Với các quy định hiện hành, vi phạm về tiếng ồn có mức xử phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền. Có điều Nghị định 167/2013 chỉ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau” mà các loa khủng karaoke thì lại ít khi “quấy phá” vào đêm.

Tương tự, như thể chỉ chú tâm đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thường có khả năng gây ồn quá mức, Nghị định 155/2016 yêu cầu phải căn cứ vào mức âm (dBA) để phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức bạc triệu, chục triệu, thậm chí là trăm triệu đồng. Vậy nên muốn phạt được các ca sĩ karaoke xài loa khủng thì không thể chỉ dựa

vào cảm nhận bị làm ồn mà phải đo mức độ của tiếng ồn. Ngặt nỗi các UBND phường, xã, nơi gần dân nhất nên có điều kiện bắt quả tang vi phạm nhanh nhất thì lại không có máy móc chuyên dụng để đo tiếng ồn. Còn như đợi kêu cán bộ quận xuống thì nhóm hát có sai phạm đã kịp tranh thủ sự lê thê của những thủ tục hành chính để kịp giải tán, đặt mọi người vào chuyện đã rồi!

Theo chia sẻ của nhiều bạn đọc báoPháp Luật TP.HCM, ở nơi nào cộng đồng mạnh mẽ lên tiếng phản đối (thông qua ban điều hành khu phố hay ban quản lý chung cư chẳng hạn) thì các loa khủng karaoke sẽ giảm thiểu đáng kể. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ hơn có lẽ phải đến từ các quy định sát hợp hơn và các địa phương cũng phải

được tạo điều kiện để dễ dàng thực hiện hơn. Có như thế, các chế tài nghiêm khắc của pháp luật mới thực sự phát huy tác dụng để ý thức tôn trọng sự riêng tư của người khác được nâng dần, để cái vui của từng cá nhân dứt khoát không được làm ảnh hưởng đến không gian công cộng và nếp sống chung của cộng đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm