‘Ma men’ - Nỗi ám ảnh sẽ bị đẩy lùi

Nói bất ngờ là bởi ngày 3-6, khi được xin ý kiến về bổ sung quy định này vào luật, tỉ lệđại biểu Quốc hội (QH) tán thành là không quá bán.

Tuy vậy, khi Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh từ “tha thiết” trước khi biểu quyết việc bổ sung quy định này vào luật thì có vẻ QH đã khá xuôi. Giải trình của Ủy ban Thường vụ QH về lý do “tha thiết” đề nghị bổ sung quy định này cũng khá thuyết phục.

Theo đó, “quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đại biểu QH, thể hiện quyết tâm của QH, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông”. Đoạn giải trình này cho thấy quy định ấy thực sự là một “quyết tâm chính trị” trước tình trạng tai nạn giao thông và các hệ lụy do rượu bia gây ra đang ảnh hưởng lớn đến xã hội.

Dĩ nhiên cũng vì thế nên tính khả thi của nó đang là một điều lo ngại. Nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng khi có thể quy định này, áp dụng từ ngày 1-1-2020, sẽ tạo “cơ hội” cho CSGT tiêu cực hoặc sẽ không đủ lực lượng để phạt những người có nồng độ cồn khi lái xe. Cũng có người lo ngại về việc nếu điều cấm này không được thực thi sẽ dẫn đến hiện tượng nhờn luật.

Nhưng nếu cứ lo ngại như vậy thì chắc chắn nhiều chính sách tiến bộ trước đây đã không thực hiện được. Chẳng hạn chính sách cấm đốt pháo hay quy định buộc người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm. Điểm mấu chốt ở đây chính là quy định nghiêm khắc này có được thực hiện nghiêm minh như giải trình của Ủy ban Thường vụ QH hay không.

Trong khi rất nhiều ý kiến cho rằng Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia yếu dần đi từ dự thảo đầu tiên đến phiên bản cuối cùng trình QH tại kỳ họp thứ 7 thì rõ ràng quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là một trong những điểm khiến luật này “cứng” trở lại. Quy định này sẽ khiến mọi người phải cân nhắc trước khi nâng ly.

Và vì sự cân nhắc ấy sẽ có nhiều người cha trở về gia đình an toàn. Sẽ có nhiều người chồng không về muộn nữa. Sẽ có nhiều tai nạn giao thông không xảy ra vào những dịp lễ, Tết. Sẽ ít đi những cuộc đánh nhau khiến hàng ngàn người phải nhập bệnh viện. Sẽ không có chuyện nôn mửa rồi dẫn tới công an và những người xăm trổ gây gổ với nhau như ở Đồng Nai vừa rồi. Sẽ ít đi những cái chết thương tâm chỉ vì đệ tử lưu linh lầm đường lạc lối. Suy rộng ra, chi phí xã hội, chi phí y tế để khắc phục những hệ lụy do rượu bia gây ra sẽ không phải là gánh nặng của quốc gia.

Hẳn nhiên một quy định cấm như trên sẽ khó có thể đi vào cuộc sống ngay được. Vì thay đổi một thói quen, một hành vi, một tập quán như sử dụng rượu bia không phải là ngày một, ngày hai. Nhưng rõ ràng phải có sự bắt đầu để hạn chế những hệ lụy không mong muốn do rượu bia gây ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm