Một định nghĩa nhân văn đi vào pháp luật

Định nghĩa về “phòng vắt, trữ sữa mẹtại Nghị định 85/2015 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ. Theo đó,“phòng vắt, trữ sữa mẹ là một không gian riêng biệt rộng tối thiểu 6 m2, có nguồn nước sạch, có nguồn điện, bảo đảm vệ sinh, được trang bị tủ lạnh, ghế, bàn; khăn giấy hoặc khăn lau, máy hút sữa, bình tiệt trùng (nếu có thể)”. Người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ... Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, mỗi ngày được nghỉ 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi…

Một nhu cầu chính đáng của tất cả phụ nữ đang nuôi con nhỏ là mong muốn được nuôi con bằng sữa mẹ cho đến 24 tháng. Tuy nhiên, điều trở ngại lớn nhất là sau sáu tháng nghỉ thai sản, chị em phải đi làm thì đồng nghĩa với việc đứa con bị ngắt nguồn dinh dưỡng quý giá này. Chi phí mua sữa công nghiệp chế biến sẵn cho con khá đắt đỏ mà lại không đảm bảo dinh dưỡng bằng sữa mẹ.

Cũng ngay ngày đầu tháng 10, một căn phòng vắt, trữ sữa mẹ được khai trương tại cao ốc Centre Point trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Phòng được thiết kế không gian nhẹ nhàng, thư giãn, đầy đủ các trang thiết bị thuận tiện để giúp mẹ vắt sữa và lưu trữ. Đến chiều khi đi làm về, mẹ sẽ ghé qua phòng để lấy lọ sữa của mình đưa về nhà cho con. 

Trước đó, nắm bắt được nhu cầu của chị em, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động đề xuất với UBND tỉnh đầu tư lắp đặt thêm phòng vắt, trữ sữa. Kết quả là tỉnh này đã quyết định đầu từ gần 1,2 tỉ đồng lắp đặt 30 phòng vắt, trữ sữa và đến nay đã có gần 20 phòng như thế ra đời. Các phòng vắt, trữ sữa thường được trang bị ba máy vắt sữa, bao gồm hai máy vắt chạy điện và một máy cơ; có một tủ lạnh dung tích 175 lít, đủ để bảo quản sữa trong ngày cho chị em.

Như vậy là trước đây nhiều chị em khi đi làm phải thỉnh thoảng vào nhà vệ sinh vắt sữa bỏ đi, trong khi con trẻ ở nhà thì khát sữa mẹ. Nay, các chị em được pháp luật cho phép mỗi ngày được nghỉ ngơi đến 60 phút để vào phòng vắt sữa và trữ sữa trong tủ lạnh cho đảm bảo dinh dưỡng, khi hết giờ làm thì ghé lấy mang về cho con dùng.

Một nghị định ra đời điều chỉnh về những điều tưởng chừng rất khó nói của chị em đã tác động tốt đến một lúc nhiều đối tượng quan trọng: Phụ nữ và trẻ em (là mầm non, tương lai của đất nước). Điều đó cho thấy pháp luật đã bám sát hơi thở cuộc sống. Không cần phải đề cập đến vấn đề to tát, chỉ một câu của văn bản pháp luật nhắc đến nhu cầu tế nhị chính đáng đã làm nức lòng bao nhiêu chị em đang có con nhỏ. Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 15-11 tới đây, dẫu mới chỉ là khuyến khích nhưng một chính sách nhân văn có con dấu đảm bảo thì chắc chắn sẽ có nhiều nơi hưởng ứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm