Nhốt người sai, lý gì viện kiểm sát ‘xù’ xin lỗi?

Từ chỗ đã tạm giam và truy tố sai ông Nguyễn Thanh Cần (TP Tây Ninh), VKSND tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định bồi thường thiệt hại cho ông và mãi đến tám tháng sau mới chi trả tiền cho ông. Điều đáng nói thêm ở đây là một đại diện VKS tỉnh đã “năn nỉ được miễn tổ chức xin lỗi công khai tại địa phương theo quy định để cơ quan không mất mặt”. Chưa hết, như phản ánh của ông Cần, khi được ông chấp thuận đề nghị này thì VKS tỉnh lại “năn nỉ được miễn xin lỗi trên hai tờ báo trong ba kỳ liên tiếp theo quy định”. Phải đến lúc ông Cần dứt khoát “không” thì lãnh đạo VKS mới đồng ý thực hiện việc xin lỗi trên báo chí.

Từ bé chúng ta đã được cha mẹ, người lớn, thầy cô… dạy nói lời xin lỗi khi mắc sai lầm, vô ý làm tổn thương hay gây ra sự cố cho người khác. Với thói quen ứng xử này, mỗi người thể hiện được ý thức trách nhiệm đối với việc đã làm, không chỉ trực tiếp giải tỏa khúc mắc, gỡ rối các quan hệ mà còn đem niềm vui tới người nhận. Nói thẳng ra là phải “dám làm, dám chịu”.

Điều 51 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng quy định: Bên cạnh các khoản bồi thường vật chất, người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự còn được khôi phục danh dự. Cụ thể, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản về việc khôi phục danh dự của người bị thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý vụ việc phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai bằng hai hình thức. Gồm có: Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú (hoặc nơi làm việc) của người bị thiệt hại…; đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp theo yêu cầu của người bị thiệt hại.

Xét cả hai mặt trên, phải lý giải sao về việc VKSND tỉnh Tây Ninh chỉ muốn âm thầm đền cho người vô tội một cục tiền chứ không muốn xin lỗi, cải chính công khai? Đúng là VKS tỉnh có thể mất mặt nhưng đây là hậu quả đương nhiên từ việc có lỗi gây ra thiệt hại. Vậy làm sao có thể vịn vào đó để dễ dàng bỏ qua những mất mát không thể nào đong đếm về uy tín, danh dự mà cá nhân người bị hàm oan lẫn gia đình, cha mẹ, con cháu, có khi cả một dòng họ của người đó phải gánh chịu?

Hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ quy định là việc bồi thường được thương lượng và không có sự phân biệt đó là bồi thường về vật chất hay tinh thần. Có lẽ vụ việc này sẽ là một đặt hàng để tới đây luật có sự sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo việc xin lỗi công khai được thực hiện chặt chẽ, đầy đủ, giúp khôi phục được niềm tin của người dân vào công lý, vào pháp luật. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm