Phạt rau độc hại, bao giờ cho đến bao giờ…

Tổng số tiền xử phạt ba vựa rau nói trên chỉ vỏn vẹn hơn 7 triệu đồng. Điều đáng chú ý hơn, cũng theo Chi cục BVTV TP.HCM, khi có kết quả kiểm định thì toàn bộ lô rau vi phạm đã được tiêu thụ hết (?).

Mức chế tài quá thấp không đủ sức răn đe người vi phạm. Nếu các cơ quan chức năng có ý định kiểm tra và xử phạt tất cả chợ thực phẩm trên địa bàn TP.HCM hay rộng hơn nữa là toàn quốc, có lẽ đó sẽ là chuyện không tưởng. Bởi vì dù muốn hay không, bản thân người bán rau không thể và cũng không đủ khả năng phát hiện tất cả lô hàng mà họ mua vào có đảm bảo tiêu chuẩn, nếu như nhà cung cấp cố tình cung cấp rau, củ, quả không an toàn. Tương tự như rau, việc nhiều hộ dân chăn nuôi đang cố tình lạm dụng chất cấm, kháng sinh bơm vào vật nuôi nhằm tăng trọng, tạo nạc, tích nước… để kiếm lợi cũng không phải là chuyện mới. Việc cơ quan BVTV hay Chi cục Thú y bắt và xử phạt gần đây đã được tăng cường, rốt ráo hơn nhưng dù cố gắng tối đa cũng khó mà xử lý triệt để tình trạng này. Và việc xử phạt một vài vựa rau hoặc chủ cơ sở chăn nuôi vi phạm chẳng khác nào muối bỏ bể.

Cách đây hơn một năm, đích thân ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát từng phát biểu trước báo giới: “Nông dân trồng rau ở nhiều nơi thường trồng một luống để ăn cho gia đình và người thân, còn khi bán thì họ lại lạm dụng thuốc BVTV”. Ông Phát thừa nhận lực lượng chức năng vẫn đến các quầy bán rau ở chợ lấy mẫu kiểm tra. Nhưng khi có kết quả thì rau đã bán hết và người bán nói rằng họ lấy rau từ nhiều nguồn nên không xử lý được, khiến lực lượng chức năng bế tắc.

Vấn đề đặt ra là làm sao để kiểm soát một cách hiệu quả tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất cây trồng? Đây là một bài toán không phải không có lời giải đã được đặt ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có ai (hay cơ quan chức năng) nào bắt tay vào làm.

Từ tháng 11-2014, Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam đã có bản kiến nghị gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị xây dựng chiến lược quản lý - sử dụng hiệu quả thuốc BVTV. Một trong những giải pháp đó là phải quản lý thuốc BVTV từ nguồn gốc, kiểm soát chặt chẽ dần dần tiến tới dừng việc nhập khẩu thuốc BVTV độc hại. Đồng thời ngành NN&PTNT có chính sách hợp lý để khuyến khích, hỗ trợ việc sản xuất, đăng ký và sử dụng chế phẩm sinh học có chất lượng, thuốc BVTV thế hệ mới, thuốc bảo quản rau, quả an toàn… Đó không chỉ là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn là một bước để tiến tới phát triển một ngành nông nghiệp tiên tiến, bền vững và thân thiện với môi trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm