‘Sân sau’ - nỗi đau nạn thân hữu, cánh hẩu!

Đề án này nhận được sự quan tâm không chỉ của các ủy viên Trung ương mà còn của công luận, của những ai thiết tha với vận mệnh đất nước.

Trước những thực tế về công tác cán bộ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra trong bài phát biểu khai mạc, nhân sự cấp chiến lược chắc chắn phải là một nhiệm vụ cấp thiết. Bởi như Tổng Bí thư nói còn có tình trạng cán bộ thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Ở góc độ khác, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói thẳng: Khi được giao nhiệm vụ, không ít cán bộ nghĩ ngay rằng “ta có được lợi gì trong đó, có kiếm chác được gì không, người nhà của mình, lợi ích nhóm thân quen của mình có lợi gì trong đó và làm thế nào để làm được việc đó”.

Ít ai nghĩ rằng việc này có nên ủng hộ hay không, có làm được hay không, muốn làm được thì phải làm thế nào. Thậm chí nhiều lãnh đạo tỉnh có cả “doanh nghiệp sân sau” đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin trung ương, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia...

Là người đứng đầu ngành kế hoạch-đầu tư, hẳn nhiên những lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là có căn cứ.

Ngay cả khi trả lời trước Quốc hội hồi tháng 6-2017, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn phải nói: “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm là chưa cương quyết, còn nể nang với các bộ, ngành, địa phương…”. Một bộ trưởng mà còn phải “nể nang, chưa cương quyết” thì chứng tỏ sức ép phải lớn thế nào, đến từ những quan chức cỡ nào.

Mà tình trạng doanh nghiệp “sân trước, sân sau” không phải đến bây giờ mới có. Từ đầu nhiệm kỳ, nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đi đến đâu cũng yêu cầu chống tình trạng này. Bởi đơn giản, khi còn tình trạng sân trước, sân sau thì nguồn lực quốc gia chẳng những bị bòn rút mà việc phân bổ nguồn lực cũng bị méo mó, bất chấp những nguyên tắc thị trường.

Những lá thư tay, những “bút phê”, những “bình phong” và cả những cú điện thoại can thiệp dường như vẫn còn uy lực không chỉ trên thị trường, trong nền kinh tế.

Trung ương đang bàn đến công tác cán bộ, ủng hộ những nguyên tắc như bí thư cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương (từng đề cập trong luật hồi tỵ thời nhà Lê, cùng với nguyên tắc họ hàng thân hữu không được làm quan cùng chỗ)… Những nguyên tắc này và tinh thần “vị dân bất vị thân” cần phải được thực thi một cách thực chất thì mới giảm bớt dần dần tình trạng “sân sau” mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu. Bởi xét cho đến cùng, “sân trước, sân sau” cũng đều do người có quyền lực sản sinh và chi phối cả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm