“Sợ mất việc” và nút thắt của trì trệ

Bởi như Thứ trưởng Đông thuật lại, nhiều lần, từ nhiệm kỳ Chính phủ trước, đại diện Bộ Xây dựng nói rằng nếu làm Luật Quy hoạch theo hướng như dự thảo thì mất việc của bộ này.

Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực hết mình để cải cách thể chế, nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia thì lý ra mỗi luật được xây dựng đều phải nhắm đến mục đích là quản trị lĩnh vực, ngành một cách chặt chẽ, đơn giản, tạo sự thông thoáng cho cả xã hội và nói như ông Đông là “phải vì lợi ích chung”. Thế nhưng sự thật mà ông Đông công khai trước Thường vụ Quốc hội đã làm cho xã hội ngã ngửa. Tất nhiên tình trạng các bộ, ngành… “lo mất việc” khi xây dựng các luật tiến bộ không phải bây giờ mới có.

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư trước đây khi được xây dựng cũng vấp phải những cản trở từ chính những cơ quan đang quản lý lĩnh vực này. Người ta cố gắng giữ cho được càng nhiều thủ tục đăng ký kinh doanh cũng bởi một mục đích: “Nồi cơm của tôi” từ cơ chế xin-cho trong cấp phép đầu tư, kinh doanh. Mặc dù Bộ KH&ĐT có những định hướng rất quan trọng trong việc tối giản hóa các thủ tục nhưng sự thật là những bộ, ngành liên quan không muốn mất đi “quyền sinh, quyền sát” của mình đối với doanh nghiệp và người dân. Những điều kiện kinh doanh, dù là không đúng theo tinh thần tiến bộ của Hiến pháp, vẫn cố gắng được giữ lại bằng những lý do có vẻ… rất hợp lý.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thuật lại rằng: Ngay trong đợt cắt giảm các điều kiện kinh doanh hồi tháng 6-2016, đại diện các bộ, ngành trong khi tranh luận không nói về tính hợp lý, hợp luật của các điều kiện kinh doanh mà họ ban hành, cài cắm ở các nghị định, thông tư mà chủ yếu tranh cãi nhau về “quyền anh, quyền tôi”.

Khi các điều kiện kinh doanh được bãi bỏ hoặc hạ xuống thành quy chuẩn kỹ thuật, chuyển sang cơ chế hậu kiểm, tác động của nó dĩ nhiên là sẽ giảm bớt quyền hành, sự nhũng nhiễu từ các công chức nhà nước. Trong khi người dân, doanh nghiệp hân hoan đón nhận những động thái tốt lành ấy từ Chính phủ thì rất nhiều bộ, ngành lại lên tiếng phản đối vì quan ngại sẽ khó quản lý.

Hiển nhiên, ai cũng mong muốn có việc làm. Công chức nhà nước dù làm nhiều hay làm ít thì cũng có việc để làm. Có điều dường như mục tiêu giữ việc làm cho công chức không hướng đến việc tạo thuận lợi cho môi trường xã hội, môi trường kinh doanh mà chủ yếu vẫn là tạo cơ hội cho công chức và các cơ quan nhà nước kéo dài hơn cơ chế xin-cho. Uy quyền của cơ quan nhà nước và công chức dường như đến từ những rào cản, những quy định “có thể gây khó” từ pháp luật.

Tư duy “sợ mất việc” kiểu như thế này rõ ràng đang là nút thắt lớn nhất cho việc thực hiện tinh thần kiến tạo, phục vụ, minh bạch và liêm chính mà Thủ tướng đã từng tuyên bố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm