Tách thửa: Ngại trách nhiệm hay làm khó dân?

Người ta ngại giải quyết kiểu nào đó sẽ tạo điều kiện cho đầu nậu thâu tóm đất nông nghiệp và thao túng; làm cho quy hoạch bị phá vỡ, hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, hình thành những khu dân cư kém chất lượng, tạo những gánh nặng cho TP trong tương lai...

Thật ra nỗi lo này có cơ sở khi mà trong một thời gian, Quyết định (QĐ) 33 (năm ra đời 2014) về tách thửa có quá nhiều lỗ hổng, điều kiện tách thửa vừa thoáng vừa dễ lách luật. Chính vì những bất cập, những hậu quả đó, TP ban hành QĐ 60 (ra đời năm 2017) để thay thế nhằm chấn chỉnh việc phân lô tách thửa theo đúng yêu cầu quản lý. TP không bác, không cấm phân lô tách thửa mà chỉ chống biến tướng. Để các quận/huyện thực hiện, các sở ngành cũng đã có những hướng dẫn, mà sự tích cực thấy rõ là ở Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT). Theo ghi nhận, thắc mắc của các quận/huyện được Sở giải đáp rõ ràng. Còn với hồ sơ phải chuyển Sở thẩm định quy hoạch tổng mặt bằng thì theo báo cáo của huyện Củ Chi, Sở QHKT cũng làm rất nhanh.

Vậy nhưng sau chín tháng, tình hình triển khai QĐ 60 vẫn rất chậm như thể quy định này đang có nhiều vướng mắc. Có nơi dù được Sở QHKT hướng dẫn nhưng vẫn ách, không giải quyết cho dân. Một số nơi lý giải do ngại “đụng” đề xuất của Sở Xây dựng về tách thửa dù các đề xuất này chỉ mới dừng lại ở mức báo cáo kiến nghị TP, chưa được TP xem xét, ban hành và pháp lý hóa như QĐ 60. “Sở Xây dựng đã đề xuất như vậy mà quận/huyện vẫn giải quyết khác đi thì sau này lỡ TP thông qua, chúng tôi lại bị nói là làm sai. Cho nên cứ chờ cho chắc” - chủ tịch một quận phân trần. Vị này cho hay đã có một số nơi cán bộ bị xử lý kỷ luật khi thực hiện cho tách thửa theo QĐ 33 nên bây giờ phải thận trọng.

Chúng tôi chia sẻ với tâm lý này nhưng mặt khác, vì sự e ngại của người có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết mà người dân đang bị ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của mình. Nhưng chặt chẽ, thận trọng không có nghĩa là ách tắc. TP không cấm tách thửa cho nên mới đặt ra những yêu cầu, điều kiện để người dân biết cách thực hiện, còn chính quyền có công cụ để quản lý, kiểm soát. Hành lang pháp lý đã có thì cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết cho người dân. Nếu quy định vướng thì phải có văn bản hỏi, một khi đã có hướng dẫn thì phải thực hiện. Điều đó mới chứng tỏ sự tích cực, chủ động của quận/huyện giải quyết hồ sơ cho dân.

Thực tế vừa qua, huyện Củ Chi vẫn triển khai suôn sẻ cho nhiều trường hợp. Hoặc quận Bình Tân chọn phương án vẫn giải quyết hồ sơ cho dân theo QĐ 60 nhưng đi kèm là vẫn gửi văn bản về các vướng mắc cũng như góp ý đề xuất của Sở Xây dựng để các quy định của pháp luật có tiếng nói chung và khả thi, thuận lợi cho dân lẫn cơ quan thực hiện. Đã có địa phương giải quyết được, đã có những hồ sơ được Sở QHKT thẩm định thì không thể nói việc tách thửa theo QĐ 60 không triển khai được!

Quy định đã có, đảm bảo theo đó mà làm. Nếu không là làm khó dân hoặc phải chăng lãnh đạo địa phương đó “thủ thế” hay không tự tin mình quản lý đất đai được chặt chẽ nên “ách là thượng sách”?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm