Tinh gọn, tinh giản, lực cản ở đâu?

Đến khi được hỏi riêng về biện pháp, bộ trưởng chỉ nói ngắn gọn: “Phải giảm bớt đầu mối”.

Giải pháp ngắn gọn ấy của Bộ trưởng Tân không phải không có người nhìn ra và thấu hiểu nhưng để thực hiện được điều đó lại quá gian nan. Công cuộc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy được tiến hành từ rất lâu và trải qua nhiều thăng trầm. Năm 2015, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm sau khi có những biến động cả về bộ máy và biên chế theo hướng phình to, tăng lên.

Tuy vậy, không phải lúc nào “tinh gọn, tinh giản” cũng suôn sẻ, nếu không muốn nói là gặp quá nhiều lực cản.

Đơn giản như đề án sáp nhập, sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, chuyện sáp nhập một số sở, phòng thành một đã bị phản đối kịch liệt mà đôi khi lý do chỉ là “sợ không đủ cấp phó đi họp”. Hay mới đây, một đề án khác tập trung tinh giản biên chế cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cũng gặp phải những ý kiến trái chiều.

Cũng dễ hiểu bởi “tham, sân, si” vốn là những đặc tính căn bản của con người mà cán bộ, công chức cũng chẳng phải thần thánh. Nhu cầu cần có một biên chế cho chắc dường như vẫn ngự trị trong tâm khảm của nhiều người. Bởi lẽ một chân biên chế có thể đảm bảo một “chiếc ghế” vững chãi mà không phải lúc nào ở ngoài nhà nước cũng tìm được.

Một đại biểu đã nói trước Quốc hội (QH) rằng: “Vì đào tạo không hợp lý, cung vượt cầu nên chúng ta tìm mọi cách để tăng biên chế, phình bộ máy để lấy chỗ cho con em chúng ta”. Điều giản dị ấy có thể hiểu được nhưng trước lợi ích quốc gia nó như là một điều dị hợm. Nó cũng là nguồn cơn khiến bổ nhiệm người thân đã gây ra “cả họ làm quan” bất chấp những quy luật phòng, chống tham nhũng đã có từ rất lâu.

Cũng chính điều đó mới có chuyện phát sinh những chức vụ, phẩm trạch không hề có trong ngạch hành chính như hàm vụ trưởng, hàm trưởng phòng… dẫu cho Bộ trưởng Tân tại kỳ họp QH mới đây đã lên tiếng: “Pháp luật không quy định chức danh hàm”.

Làm sao lại xảy ra những điều vô lý đến thế? Trước QH, các đại biểu vạch ra hàng loạt nguyên nhân: Từ chuyện trên làm ào ào, dưới tự tung tự tác đến việc thiếu kỷ cương, khinh nhờn quy định…

Vấn đề là ai cũng có thể lên tiếng vì “bộ máy cồng kềnh, biên chế quá đông” nhưng dường như không ai muốn mình bị tinh giản, cơ quan mình bị tinh gọn, sáp nhập. Vấn nạn này chắc không dễ giải quyết! Biết bao giờ lực cản cho tinh gọn, tinh giản mới hết tác oai tác quái?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm