‘Xé rào’ xưa và nay

Câu chuyện TP.HCM tiên phong trong các tỉnh, thành phố trên cả nước xé rào, xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp như là một tấm gương cho việc bứt phá, thoát khỏi sự trì trệ, đưa nền kinh tế phát triển, đảm bảo cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của ngày xưa, ngày đất nước mới giải phóng, thiếu cơ chế quản lý linh hoạt, các quan hệ xã hội chưa được pháp luật điều chỉnh đầy đủ. Nhờ vậy, việc xé rào đúng hướng, đáp ứng được nguyện vọng của người dân thành phố của lãnh đạo TP.HCM lúc đó đã được xem là bài học trong công tác quản lý và điều hành đất nước.

Trải qua một quá trình xây dựng và phát triển, đất nước ta đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ và tự khẳng định mình trên trường quốc tế. Song song đó, cơ chế quản lý, hệ thống pháp luật ngày một hoàn thiện đã góp phần không nhỏ để đạt được những kết quả trên. Từ đó, chúng ta hướng đến xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và mọi chủ thể trong nhà nước đó hoạt động tuân theo pháp luật.

Chúng tôi cho rằng câu chuyện của Formosa Hà Tĩnh và Trường ĐH Tôn Đức Thắng không phải là sự xé rào theo đúng nghĩa của nó. Nếu Formosa Hà Tĩnh kiên quyết không cho các xe chạy quá tốc độ vào khu vực dự án, ngưng các hoạt động kinh doanh thương mại với các doanh nghiệp có xe vi phạm, thậm chí đưa điều khoản về hạn chế tốc độ vào nội dung hợp đồng với các đối tác thì đó cũng có thể xem như một sự bứt phá, xé rào của doanh nghiệp để đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực nội bộ của mình. Hoặc nếu như Trường ĐH Tôn Đức Thắng đề xuất ý tưởng giao các trường chủ động phong hàm GS, PGS và đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được làm thí điểm thì đây cũng được xem là ý tưởng bứt phá, xé rào của trường. Đằng này, Formosa Hà Tĩnh thì chặn bắt xe vi phạm và ra quyết định xử phạt như là một chủ thể có thẩm quyền theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong khi đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng thì tự cho mình cái quyền phong chức danh GS, PGS cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài trường như thể mình là Hội đồng Chức danh GS Nhà nước và hoàn toàn nằm ngoài các quy định về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS và trình tự bổ nhiệm hai chức danh trên hiện hành.

Trong một nhà nước pháp quyền, đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ ép mình vào trong khuôn thước do pháp luật đặt ra. Tùy vào điều kiện hoàn cảnh mà mỗi tổ chức, mỗi cơ quan, mỗi gia đình hay mỗi cá nhân sẽ tự đặt ra những điều kiện, nội quy riêng phù hợp với đặc thù của mình nhưng luôn luôn phải đảm bảo nguyên tắc không được trái với pháp luật và không được vượt quá giới hạn luật định.

Chuyện xé rào ngày xưa khác, ngày nay khác! Hiểu cho thấu đáo điều này để vừa giúp đưa ra những đề xuất tiến bộ, phù hợp mà không gây rối cho hoạt động quản lý xã hội của Nhà nước. Đó là cái tinh của người xé rào vậy!

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm