GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT BÁO CHÍ SỬA ĐỔI

‘Thiếu bài điều tra, không biết nhà báo có sợ gì không?’

Bà Thảo nhìn nhận trong thời gian gần đây, các bài viết dưới dạng điều tra, phóng sự điều tra trên các báo thiếu vắng chứ không như trước đây. Không biết sự thiếu vắng này có phải là do các nhà báo sợ hay phải chịu áp lực gì không?

Cũng liên quan tới nội dung này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nhận xét quy định như Điều 33 của dự thảo là chưa quan tâm đúng mức đến việc tạo điều kiện cho hoạt động điều tra, tác nghiệp của nhà báo. Đây là một kênh phản biện, là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền tiếp cận để tránh oan sai. Nhiều vụ án, vụ việc đã được báo chí phát hiện, nêu lên và đã được giải quyết như vụ Vedan xả thải gây ô nhiễm, nếu không có báo chí thì có thể vụ việc đã bị chìm xuống, quyền lợi của người dân chắc chắn bị ảnh hưởng lớn. “Một vấn đề đang được quan tâm hiện nay là hoạt động tác nghiệp của nhà báo có được xem là thực thi công vụ hay không? Hành vi cản trở, đe dọa, hành hung nhà báo có phải là hành vi chống người thi hành công vụ hay không? Đây là điều đang gây tranh cãi và chưa có kết luận chính thức. Dự thảo Luật Báo chí lần này cũng cần quy định rõ để góp phần hạn chế các hành vi cản trở hoạt động báo chí” - luật sư Hậu kiến nghị.

Ảnh minh họa: HTD 

Luật sư Hậu cũng cho rằng Luật Báo chí sửa đổi tới đây cần phải quy định rõ về chức danh phóng viên trong hoạt động báo chí. Theo luật sư Hậu, thực tế cho thấy đây là những người hoạt động báo chí dựa trên giấy giới thiệu của cơ quan báo chí trong thời gian chưa được cấp thẻ nhà báo. Trong khi đó đã xảy ra nhiều vụ cản trở hoạt động báo chí đối với phóng viên. Do vậy, cần phải bổ sung quy định cụ thể về chức danh này.

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, góp ý Điều 25 dự thảo Luật Báo chí quy định cơ quan báo chí muốn đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú tại một địa phương phải có văn bản đề nghị và được UBND địa phương đó chấp thuận là không cần thiết và quá nhiêu khê. Theo luật sư Hòa, cơ quan báo chí đã có cơ quan chủ quản, có cơ quan quản lý ngành nên cần phải bỏ quy định phải xin phép UBND như dự thảo.

Chưa quy định cơ chế đặc thù cho hoạt động báo chí tại các đô thị lớn

Nêu ý kiến tại buổi góp ý, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, nhận xét dự thảo sửa đổi Luật Báo chí lần này gồm sáu chương với 60 điều, trong đó có 31 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi với mục đích đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới. Tuy nhiên, một số quy định cần thiết nhằm đưa ra biện pháp giúp báo chí phát triển trong thời gian tới chưa được chú trọng, chưa quy định cơ chế đặc thù cho hoạt động báo chí tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm