Thiếu tiền bao gái sẵn sàng… gây thảm án

Dễ bỏ lọt tội phạm

Thiếu tiền bao gái sẵn sàng… gây thảm án ảnh 1 

Hai nghi can trong vụ thảm sát Bình Dương gây án khi tuổi đời còn khá trẻ.

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên, các ĐB cho rằng việc “thu hẹp” chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên ở 16 tội danh  ở dự thảo luật (Điều 12, dự thảo BLHS) sẽ dẫn để bỏ lọt tội phạm, khó đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay…

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận định: “Hiện nay dù tuyên truyền nhiều, nhưng thực tế tội phạm trong giới trẻ không những không giảm mà gia tăng, có nhiều vụ cực kỳ nguy hiểm. Về mặt nhân đạo chúng ta cũng nghiên cứu, nhưng nếu không quy định hình phạt đối tượng này thì không đủ răn đe”. Ông Vinh đề nghị nên tiến hành tổng kết tình hình tội phạm do người chưa thành niên gây ra, trong đó phải lường trước tội phạm mới do phát triển công nghệ thông tin, hội nhập, phát sinh xã hội... để có giải pháp phù hợp.
Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng nên giữ quy định như luật cũ về độ tuổi là chặt chẽ rồi, giờ liệt kê cụ thể 16 tội danh có khi lại lọt.
“Chúng ta ngày xưa không dám cầm tay bạn gái, cấu ngọn mùng tơi của hàng xóm… Giờ khác nhiều lắm, nhiều em vì  thiếu mấy đồng chơi games sẵn sàng bóp cổ giết người, thiếu tiền bao bạn gái sẵn sàng cầm phớ cướp tính mạng hàng loạt người…”, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đã than lên như vậy khi cho ý kiến về nội dung phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên của dự thảo luật. Ông Sơn dẫn chứng vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang xảy ra đã có những bình luật “đau xót” trên mạng: “16 tuổi em có giết thêm mấy người nữa cũng chỉ mười mấy năm là ra thôi”.
Về nội dung này, báo cáo giải trình tiếp thu của UBTVQH cho hay hiện có hai loại ý kiến: Ý kiến tán thành quy định 16 tội danh mà người chưa thành thành niên phải chịu tránh nhiệm hình sự là để thể chế yêu cầu của Hiến pháp về bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời bảo đảm tính minh bạch, tính nhân đạo trong xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội; Ý kiến phản đối cho rằng ”thu hẹp” ở 16 tội danh dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, đặc biệt trong xu hướng lạm dụng công nghệ để vi phạm pháp luật ở trẻ em hiện nay rất cao.
Pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự
Về nội dung trách nhiệm hình sự của pháp nhân hiện có hai luồng ý kiến gồm: không tán thành bổ sung quy định này trong dự thảo luật và tán thành nhưng chỉ nên quy định trong phạm vi hẹp như: rửa tiền, tài trợ khủng bố và gây ô nhiễm môi trường, đồng thời loại trừ trách nhiệm hình sự cho pháp nhân là cơ quan công quyền.
Đa số các ĐB đều đồng tình phải xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân vì hiện nay vi phạm của pháp nhân ngày càng gia tăng, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng, mà xử lý hành chính thì không đủ sức răn đe. Và đây cũng là xu hướng của thế giới, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, vì thế càng cần phải quy định cụ thể. Mặt khác, quy định xử lý pháp nhân không đơn thuần là xử lý mà thực hiện quy định của Hiến pháp về đảm bảo quyền lợi ích của con người do pháp nhân gây ra. Chỉ bằng hoạt động tố tụng tư pháp minh bạch, rõ ràng thì mới bảo vệ được lợi ích của người dân và không đẩy trách nhiệm chi người dân, đảm bảo công bằng giữa các pháp nhân…
“Hồi QH khoá 12 xảy ra vụ Vedan. Tại sao doanh nghiệp làm hệ thống kế toán 1 cái để đối phó với cơ quan chức năng, 1 cái cho điều hành nội bộ thì bị xử lý, còn một nhà máy làm 2 hệ thống xả thải thì lại không? Hồi đó, Vedan không chịu bồi thường, chỉ khi sản phẩm bị tẩy chay họ mới chịu bồi thường”, ĐB Trần Du Lich (TPHCM) nói và cho rằng quy định bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân như dự thảo luật là hợp lý.
ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng pháp nhân là thực thể pháp lý và thông qua hành vi cá nhân nhân danh pháp nhân thực hiện đem lại lợi ích và quyền cho pháp nhân. Nên khi gây hại cho xã hội thì xã hội trừng trị cả pháp nhân, Tuy nhiên ĐB Đương nhấn mạnh “phải nói rất cụ thể là loại hình pháp nhân nào” thì bị chịu trách nhiệm hình sự. “Theo tôi nên quy định pháp nhân kinh tế như: môi trường, buôn lậu, trốn thuế… Ngoài ra, hình phạt cũng phải nặng gấp nhiều lần so với xử lý hành chính ở hành vi đó. Trường hợp dưới mức đó, bị xử lý hành chính rồi, tiếp tục vi phạm thì xử lý hình sự…”, ông Đương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm