Thu gom vỏ hộp sữa là tích cực bảo vệ môi trường

Mấy năm gần đây, việc tái chế vỏ hộp sữa giấy đã được cộng đồng xã hội quan tâm cao bởi mang đến lợi ích kép vì mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà sản xuất và người lao động, vừa tránh lãng phí tài nguyên thiên nhiên.

Từ rác thải đến nguyên liệu sản xuất

Lâu nay, người dân Việt Nam đều biết uống sữa tốt cho sức khỏe nhưng chưa có nhiều người biết vỏ hộp sữa giấy - vốn đang được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp nước giải khát, tái chế được 100% để làm ra các sản phẩm hữu ích.

Thu gom vỏ hộp sữa là tích cực bảo vệ môi trường ảnh 1

Vỏ hộp sữa được ép gọn tại một điểm thu mua.

Theo ông Bert Jan Post, Giám đốc điều hành Tetra Pak Việt Nam - đơn vị sản xuất vỏ hộp sữa giấy, cho biết: “Nếu không được thu gom và tái chế, vỏ hộp sữa giấy sẽ bị thải ra môi trường. Đó là một sự lãng phí lớn vì lượng bột giấy chiếm đến 75% trong vỏ hộp sữa và về nguyên tắc chúng có thể được tái chế đến sáu lần. Ngoài ra trong vỏ hộp sữa giấy còn có 25% là nhôm-nhựa, là nguyên liệu quý, có thể tái chế thành nhiều sản phẩm hữu ích trong đó có tấm lợp sinh thái”. Cũng theo ông Bert Jan Post, chúng ta đang sống trong một thế giới mà các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần khan hiếm, vì vậy tái chế là cách tốt nhất để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Từ chỗ bị xem là nguồn rác thải, tốn kém chi phí xử lý, nay vỏ hộp sữa giấy đã trở thành nguyên liệu để sản xuất và hiện tại mọi người thu gom có thể bán được cho nhà máy, với giá trên 4.000 đồng/kg.

Bài toán kinh tế cần giải quyết

Tuy nhiên, theo TS Vũ Ngọc Bảo - Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, hiện tỉ lệ tái chế giấy đã qua sử dụng nói chung ở nước ta chỉ chiếm trên dưới 30%, trong khi đó ở Nhật là trên 95%. Điều này đang gây ra lãng phí rất lớn khi khả năng tận dụng vỏ hộp sữa còn rất thấp.

Được biết hiện Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến (Bình Dương) là đơn vị duy nhất ở Việt Nam sở hữu dây chuyền tái chế đồng bộ vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng. Dây chuyền này đã được đưa vào hoạt động từ tháng 11-2011 với sự hỗ trợ công nghệ từ Tetra Pak Việt Nam.

Ông Hoàng Trung Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến, cho biết: “Công suất thiết kế của dây chuyền tái chế vỏ hộp sữa là 50 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện Đồng Tiến chỉ thu gom được trên dưới 10 tấn vỏ hộp/ngày, thấp hơn rất nhiều so với công suất thiết kế. Lượng vỏ hộp sữa thu gom được trong một tháng chỉ đủ làm nguyên liệu sản xuất trong... hai ngày”.

Như vậy, trong khi nhà máy tái chế đang khan hiếm nguyên liệu đầu vào thì trên thực tế vỏ hộp sữa vẫn bị vứt bỏ tràn lan, nằm lẫn trong các loại rác thải sinh hoạt khác. Điều đó cho thấy ý thức người dân trong việc phân loại rác chưa cao, dẫn đến vô tình phí phạm nguồn tài nguyên hữu ích cho sản xuất và đời sống.

Việc tăng tỉ lệ thu gom, tái chế chất thải nói chung, vỏ hộp sữa giấy nói riêng cần phải được phát triển mạnh hơn nữa. Hy vọng rằng cùng với sự tiên phong của các doanh nghiệp, sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền đến người dân trách nhiệm bảo vệ môi trường sống, công tác thu gom vỏ hộp sữa sẽ được thực hiện rộng khắp hơn nữa trong thời gian tới.

Để tăng cường lượng thu gom vỏ hộp sữa đã qua sử dụng, hiện Đồng Tiến và Tetra Pak Việt Nam đã triển khai 22 trạm thu mua trên toàn quốc. Sắp tới sẽ mở thêm nhiều trạm nữa ở các thành phố lớn. Mức giá thu mua hơn 4.000 đồng/kg tại nhà máy. Trong thời gian tới, mức giá này có thể sẽ được nâng lên để khuyến khích những công nhân thu gom rác, người thu mua ve chai tăng cường thu gom vỏ hộp sữa, góp phần tăng thu nhập và bảo vệ môi trường.

HOÀI ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm