Thủ tướng chưa chốt việc dừng cách ly xã hội sau 15-4

Chiều 13-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, thảo luận về các quyết sách thời gian tới.

Xem xét toàn diện việc kéo dài cách ly xã hội

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 xây dựng một số phương án để ngày 15-4 tới đây, Thủ tướng và Thường trực Chính phủ sẽ xem xét, đánh giá toàn diện kết quả việc thực hiện Chỉ thị 16 và những nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh. Từ đó, sẽ xem xét và quyết định phương án phù hợp nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá cao Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương đã có những biện pháp cương quyết trong triển khai đồng bộ các biện pháp cách ly xã hội, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 trong bối cảnh nhiều sức ép đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động, thuế... và các vấn đề xã hội trên địa bàn. Người dân cũng rất ủng hộ Chỉ thị 16 về cách ly xã hội.

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ đã có những biểu hiện lơi lỏng ở một số nơi, người dân ra đường nhiều hơn trước. Một số cửa hàng không thuộc diện được kinh doanh trong thời gian này vẫn mở cửa bán hàng. Trong khi ngành y tế tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhưng tình hình lây nhiễm trong cộng đồng vẫn xảy ra, nhất là ổ dịch ở thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Hà Nội. Cạnh đó, Thủ tướng cảnh báo về những ca nhiễm chưa phát hiện gây nguy hiểm rất lớn đối với cộng đồng. “Tình hình đó đòi hỏi tinh thần không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác. Chúng ta thực hiện cách ly, giãn cách xã hội trong thời gian ngắn để không phải thực hiện phong tỏa trong thời gian dài” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng chúng ta đặt “mục tiêu kép” nhưng ưu tiên lúc này là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, không vì lợi ích kinh tế mà coi thường sức khỏe của nhân dân. Vì thế, Thủ tướng yêu cầu việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và các quy định khác cần tiếp tục được thực hiện ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các đô thị lớn. “Chỉ thị 16 vẫn tiếp tục có hiệu lực trên cả nước. Nếu lơi lỏng sẽ vỡ trận, xóa đi thành quả mà Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị và nhân dân đã dày công xây dựng suốt vài tháng qua” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về chống dịch COVID-19 chiều 13-4. Ảnh: VGP

Đồng ý cho xuất khẩu khẩu trang y tế

Về các kiến nghị của Ban chỉ đạo, Thủ tướng đồng ý khẩn trương thực hiện các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế nguy cơ lây nhiễm qua việc sử dụng tiền mặt để thanh toán. Bộ TT&TT cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thiện quy trình này.

Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu khẩu trang y tế và thiết bị bảo hộ chống dịch cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 trên cơ sở Việt Nam có đủ thiết bị dự trữ. Bộ Y tế, Bộ Công Thương sớm hoàn thiện quy trình, thủ tục trong lĩnh vực này, qua đó giải quyết việc làm đối với ngành dệt may. Song song đó cần sớm hình thành ngành công nghiệp sản xuất máy thở của Việt Nam.

Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch ở khu công nghiệp, đối với công nhân, người yếu thế, các công trường thi công, tăng cường bảo hộ an toàn.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm hoàn thiện quy trình học và thi ở các cấp học trong cả nước theo hướng tăng cường học tập trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dạy và học. Bộ Công an, đặc biệt là công an các địa phương có phương án đảm bảo an toàn cho người dân, điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm trật tự, an toàn xã hội và trong việc thực hiện Chỉ thị 16.

TP.HCM: Xây dựng phương án đi học lại an toàn

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM vào chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết với sự triển khai tích cực của TP, của các ngành y tế, giao thông, công an, chúng ta đã giữ được cho TP đến nay bình yên.

Theo ông Nhân, nguy cơ lớn nhất là các doanh nghiệp vẫn hoạt động, công nhân vẫn phải đi làm nên rất khó đảm bảo an toàn. Cấp ủy và 24 quận, huyện đã vào cuộc, báo cáo chủ trương đã triển khai đến tất cả doanh nghiệp, tỉ lệ chấm điểm và thẩm định còn khác nhau ở các quận, huyện. “Thẩm định lại giúp doanh nghiệp chuyển sang trạng thái mới là sản xuất trong điều kiện nguy cơ lây nhiễm rất ít, chúng ta đã làm được bước đầu rồi” - ông Nhân nói và mong UBND TP để các quận, huyện tiếp tục phấn đấu đến ngày 25-4 tất cả doanh nghiệp đều có đánh giá để rà soát một lần. Vào tháng 5 sẽ yên tâm hơn khi doanh nghiệp tiếp tục đi làm, tiếp tục sản xuất mà vẫn đảm bảo an toàn.

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị các ngành, các cấp xây dựng phương án đi học trở lại sao cho an toàn. “Đề nghị cân nhắc các trường học có cần bộ tiêu chí không. Theo tôi, việc này có lẽ nên làm, Sở GD&ĐT xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, các trường đại học cũng phối hợp xây dựng, từ nay đến ngày 30-4 phải xong” - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói và cho rằng nếu hết tháng 4 điều kiện thuận lợi thì giữa tháng 5 đi học trở lại.

Ngoài ra, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị quan tâm đến đời sống những người khó khăn, người lớn tuổi, đẩy mạnh và có lộ trình giải ngân hỗ trợ người lao động mất việc làm trong ba tháng qua. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm