Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Việt Nam đang ở đâu?'

Sáng nay, 5-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng và phát biểu khai mạc Hội thảo - Triển lãm quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh năm 2017. 

Trong bài phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra ba vấn đề để đại biểu thảo luận.

“Việt Nam đang ở đâu? Chúng ta cần đánh giá thực trạng của nền kinh tế Việt Nam trên phương diện ứng dụng công nghệ mới, phát triển công nghiệp thông minh, nhất là những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức”, Thủ tướng nói.

“Các nước đang làm gì? Tôi mong muốn các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh, đặc biệt là những nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc và các nước ASEAN; trong đó nêu rõ những bài học kinh nghiệm và điều kiện áp dụng. Nhiều nước thành công nhưng cũng nhiều nước thất bại, kể cả các nước đã phát triển và đang phát triển”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cần biết được Việt Nam đang ở đâu, cần làm gì thì mới thúc đẩy được công nghiệp thông minh. Ảnh: VPG

“Việt Nam cần làm gì để phát triển thành công nền kinh tế số, công nghiệp thông minh? Các đại biểu cần đề xuất, kiến nghị cụ thể về chiến lược, định hướng và giải pháp phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh ở Việt Nam thời gian tới, trong đó chú trọng tính hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh rằng: cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển bùng nổ của các công nghệ xuyên ngành thế hệ mới, mở ra một thời đại phát triển mới của loài người gắn với trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT) cùng sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số.

Điểm qua những chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông minh ở nhiều nước, Thủ tướng đề cập tới việc các tập đoàn như Alibaba, Facebook, Amazon… đã trở thành những “người khổng lồ” trong thương mại điện tử, mạng xã hội và có tác động lan tỏa, kết nối mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu.

Với Việt Nam, Thủ tướng cho biết hiện nay Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G với trên 4.000 trạm phát sóng và hơn 95% dân số được phủ sóng; khoảng 52 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số (đứng thứ 5 ở châu Á-Thái Bình Dương) và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh (smart phone).

“Đây là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam nắm bắt nhanh chóng những thành tựu công nghệ mới”, Thủ tướng nói.

Tuy vậy, theo Thủ tướng, trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức đó là quy mô và sự sẵn sàng thay đổi của cộng đồng doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và đứng trước áp lực lớn về nguồn lực để chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng: cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vẫn là một cơ hội tốt để Việt Nam phát triển. “Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm và hành động cụ thể. Tập trung nắm bắt xu hướng công nghệ mới, trang bị đủ năng lực, sẵn sàng tiếp nhận các mô hình kinh doanh mới, dũng cảm từ bỏ, cải cách mô hình cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người tiêu dùng”, Thủ tướng kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm