Thủ tướng: ‘Phải tìm thị trường mới cho nông sản Việt’

“Một số mặt hàng nông sản bị dư thừa, rớt giá là do khâu tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn kém, không phải do yếu tố thị trường đầu ra”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại cuộc đối thoại trực tiếp với 500 đại biểu nông dân trong cả nước ngày 9-4 tại Hải Dương.

Đầu ra khó, nông sản lúc thiếu lúc thừa

Ông Tăng Xuân Trường, nông dân ở huyện Gia Lộc, Hải Dương nêu: Qua theo dõi thông tin trên báo chí thì nông sản dư thừa, nông dân phải nhổ bỏ củ cải, su hào, mía phải đem đốt. Gần đây, ở Đà Lạt có tình trạng khoai tây, hành tây xuống giá trầm trọng. “Khâu tổ chức sản xuất cũng như khâu tổ chức thị trường kém dẫn đến có lúc thiếu hụt nguyên liệu, có lúc dư thừa dẫn đến việc cung quá cầu” - ông nói.

Còn chị Đặng Thị Dịu, nông dân phường Hải Hòa, TP Móng Cái (Quảng Ninh) nêu: “Với nông dân, thị trường đầu ra luôn là nỗi lo lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc khó tiêu thụ sản phẩm, khó tìm kiếm thị trường là công tác định hướng và thông tin thị trường”.

Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX rau Anh Đào, đơn vị mỗi năm xuất khẩu 40.000 tấn rau củ quả chất lượng cao băn khoăn vì sản xuất nông nghiệp đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, làm sao để không phụ thuộc vào thị trường này.

Tại cuộc đối thoại, nông dân cũng than phiền về việc vay ngân hàng với lãi suất cao, thủ tục thế chấp ngân hàng phức tạp. Việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn nên nông dân phải tiếp cận nguồn tín dụng đen.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc đối thoại với nông dân. Ảnh: H.ĐƯỜNG

Thiếu liên kết chuỗi, tổ chức sản xuất chưa tốt

Trả lời các câu hỏi của nông dân về việc giải quyết dư thừa sản phẩm nông nghiệp và tình trạng sản phẩm nông nghiệp rớt giá nhiều năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Thành quả của nông nghiệp Việt Nam là rất lớn. Xuất khẩu nông nghiệp của chúng ta là 36, 37 tỉ USD, đây là con số không hề nhỏ. Hiện tượng giải cứu su hào, củ cải, mía, dưa hấu là có nhưng không phản ánh hết tình trạng nông nghiệp Việt Nam hiện nay”.

Người đứng đầu Chính phủ cho hay Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đang hoàn thiện hệ thống luật để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất và chế biến nông nghiệp. “Chúng ta phải tìm thị trường mới. Các đồng chí đứng đầu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các bộ trưởng,... đi đâu cũng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam để thúc đẩy cơ hội tìm thị trường mới. Thực tế, nhiều nông sản củ quả của Việt Nam đã tìm được các thị trường mới” - Thủ tướng cho hay.

Thủ tướng cũng đề nghị nông dân và các doanh nghiệp cần cố gắng sản xuất, cải tiến sản xuất, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. “Một điều quan trọng nữa là tổ chức sản xuất. Sản xuất phải theo nhu cầu thị trường, không phải có sản phẩm gì thì tung ra thị trường sản phẩm đó. Trước khi gieo, trồng, sản xuất phải tính tiêu thụ sản phẩm ở đâu thì mới ít bị rủi ro dư thừa, rớt giá” - Thủ tướng lưu ý.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay vấn đề hiện nay là thiếu liên kết chuỗi. “Tại sao chỗ này thị trường không đủ sản phẩm bán, chỗ khác thì thừa sản phẩm? Đó là việc chúng ta tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm theo chuỗi chưa tốt”.

Về ý kiến này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Sáu nhà cần vào cuộc đồng bộ: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà băng, nhà phân phối, nhà chế biến”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay vấn đề thông tin thị trường sẽ được bộ này làm triệt để để thông tin thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu được đầy đủ. “Bộ Công Thương chủ động xây dựng thông tin về thị trường, đặc biệt các thị trường cụ thể cho các ngành hàng. Tuy nhiên, thông tin phục vụ ngành hàng không thể phục vụ từng mặt hàng và nhóm sản phẩm được. Việc định hướng chủ yếu dành cho các nhóm sản phẩm chiến lược. Các mặt hàng theo mùa vụ thì trước khi trồng, sản xuất phải căn cứ nhu cầu của thị trường” - bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định vốn dành cho đối tượng nông nghiệp, nông thôn là hơn 1,3 triệu tỉ đồng, chiếm 22% vốn dành cho các ngành sản xuất. Theo ông Tú, khó tiếp cận vốn vay là do nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn hoặc sử dụng sai mục đích dẫn đến nợ xấu khiến các ngân hàng siết chặt quy định cho vay.

Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn của Việt Nam

Về lo ngại nền sản xuất nông nghiệp bị phụ thuộc vào Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta nhờ thị trường Trung Quốc để tiêu thụ sản phẩm…”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thông tin: Thị trường Trung Quốc đang là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam. Riêng các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc là 61%, trong khi đó thị trường EU chỉ chiếm 16%. Theo Bộ trưởng Tuấn Anh, những tiêu cực được chứng kiến thường liên quan đến thị trường chủ yếu thông qua hình thức xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. “Đây là hình thức mà cả hai nước không tổ chức quản lý tốt” - ông Tuấn Anh nhận xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm