Thủ tướng sẽ có chỉ thị mới ứng phó với dịch COVID-19

Chiều 3-8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7.

Người nhập cảnh trái phép có bà con mình

Tại cuộc họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi về kết quả điều tra các đường dây đưa người nhập cảnh trái phép, đặc biệt là những người Trung Quốc (TQ) qua xét nghiệm có ai dương tính với COVID-19 hay không.

Trả lời, người phát ngôn Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho hay khi dịch bệnh có dấu hiệu lây lan trở lại, Bộ Công an đã ban hành rất nhiều công văn, chỉ đạo các đơn vị địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, Chỉ thị 19 của Thủ tướng. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, kiểm tra, kiểm soát nhập cảnh ở các cửa khẩu quốc tế; phối hợp và xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép ở các địa phương có đường mòn, lối mở; bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh ở các khu vực cách ly tập trung...

Theo ông Tô Ân Xô, người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, bên cạnh người TQ còn có một số bà con đi lao động, làm việc ở các nước láng giềng trở về. “Ở TQ, thiên tai, dịch bệnh trở lại. Còn Việt Nam là điểm đến an toàn nên có một lượng người TQ nhập cảnh vào nước ta để tìm việc, đi du lịch, một số khác qua để sang Campuchia đánh bài” - Thiếu tướng Tô Ân Xô thông tin.

“Một số báo chí tuyên truyền có hàng chục, hàng trăm người nhập cảnh trái phép. Không phải vậy. Trong số đó đa phần là bà con của chúng ta đi làm ở TQ, đặc biệt là bà con ở các tỉnh biên giới, những người có người thân ở bên kia biên giới…, khi hết việc thì bà con trở về” - ông Tô Ân Xô nói.

Ông Xô cũng đề nghị cần có chính sách và biện pháp phù hợp với số bà con này. “Học sinh, sinh viên, người lao động của nước ta ở các nước phương Tây được máy bay đón về, chăm sóc chu đáo. Trong khi số bà con đi lao động ở Lào, Campuchia, TQ về thì chưa được như thế. Đường mòn, lối mở nhiều nên bà con trở về rất đông” - người phát ngôn Bộ Công an nói thêm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (giữa) chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: plo.vn

Đang nghiên cứu đề xuất cách ly tại nhà

Tại cuộc họp, báo chí cũng nêu câu hỏi về quan điểm của Chính phủ, Bộ Y tế trước đề xuất áp dụng kinh nghiệm cách ly tại nhà ở một số nước trên thế giới để ngăn dịch bệnh tại Đà Nẵng của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.

“Thủ tướng sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm sao hợp lý, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép là phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội trong thời điểm hiện nay” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thông tin.

Theo người phát ngôn Chính phủ, khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng đã được khoanh vùng ngay. “Quan điểm chung, các vùng dịch chúng ta phải khoanh, dập. Đám lửa to khoanh to, đám lửa nhỏ khoanh nhỏ và dập tất” - vẫn lời ông Dũng.

Theo ông Dũng, hiện phần lớn địa phương chưa có dịch, chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới, có địa phương có ca dịch xuất phát từ ổ dịch Đà Nẵng… Chúng ta phải tính toán làm sao vừa đủ chứ không đưa ra trạng thái cứng quá. “Những vùng khác không phải ổ dịch, như thôn Bùi của tỉnh Thái Bình, người ta chỉ khoanh vùng, giãn cách xã hội với thôn này thôi. Khoanh vùng với bán kính nhỏ vừa đủ để dập dịch nhưng vẫn bảo đảm vấn đề kinh doanh, thông thương kinh tế” - ông Dũng nhấn mạnh.

Tiếp lời sau đó, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho rằng dịch ở Đà Nẵng đã “âm thầm lây nhiễm” trong vòng một tháng và đã diễn ra 2-2,5 chu kỳ, do vậy cần phải chuẩn bị tinh thần áp dụng “biện pháp cao nhất”.

“Biện pháp cao nhất”, theo lý giải của ông Cường, cách ly tại nhà là yêu cầu tất cả người dân ở trong nhà và hằng tuần cử một người đại diện gia đình ra ngoài mua đồ ăn…

Ông Cường cũng cho hay đã “sẵn sàng phương án cách ly tại nhà” khi một số khu cách ly tập trung đã quá tải, như đề nghị của chủ tịch TP Đà Nẵng. “Chúng tôi đã chuẩn bị phương án này từ lâu và bộ sẵn sàng thực hiện khi có lệnh của ban chỉ đạo” - Thứ trưởng Y tế nói.

Trước đó, ngày 2-8, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị từ kinh nghiệm quốc tế về cách ly tại nhà, Đà Nẵng có thể áp dụng biện pháp cao nhất này để ngăn chặn dịch. Theo ông Nhân, khi xảy ra dịch ở mức cao nhất, yêu cầu tất cả gia đình ở nhà, một ngày một người đi chợ một lần, phát phiếu chỉ người đó được ra khỏi nhà. Sau một thời gian người dân không phải đi chợ nữa, mà chuyển sang giao nhận thực phẩm tại nhà.

Bí thư Nhân cho rằng phải coi cách ly tại nhà là quan trọng nhất và đề nghị Bộ Y tế có nghiên cứu, hướng dẫn.

Sẽ có chỉ thị mới về dập dịch

Tại cuộc họp báo trên, người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn bài học của Singapore, khi dịch bùng phát ở khu công nhân thì đã đóng cửa toàn quốc. Quyết định này khiến nước này phải chi trả hơn 100 tỉ đôla Singapore để giải cứu nền kinh tế. Trong khi đó, nhiều chuyên gia của Singapore cho rằng chỉ cần cách ly khu ký túc xá của công nhân…

“Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng tại các cuộc họp, VPCP, Bộ Y tế, các cơ quan chức năng sẽ sớm soạn thảo chỉ thị mới của Thủ tướng. Tinh thần là chúng ta sẽ đưa ra giải pháp mạnh nhất, tốt nhất, kịp thời và phù hợp để chủ động ứng phó và dập tắt dịch” - ông Dũng thông tin. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm