Thủ tướng: 'Ước gì chúng ta có 50 mặt hàng như thế'

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Công Thương, diễn ra ngày 15-1.

Thủ tướng cho rằng lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỉ USD, với mức tăng trưởng trên 21% và có gần 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD thì đây là một trong những điểm sáng nhất của ngành Công Thương năm 2017. "Ước gì chúng ta có 50 mặt hàng như thế", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VIẾT LONG

Để đạt được thành công, theo Thủ tướng thì chủ trương một, biện pháp mười, nhưng quyết tâm phải 20. Bên cạnh đó, ngành công thương cần biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, đồng thời là Bộ tiên phong đi đầu trong việc cắt bỏ các thủ tục hành chính.

Thủ tướng cho biết sáng nay đã ký nghị định để cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh, tương đương 55% trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh mà Bộ Công Thương quản lý.

Người đứng đầu chính phủ cũng đánh giá cao Bộ Công Thương vì đã thực hiện nghiêm chỉ đạo về cấu trúc lại bộ máy với thái độ dũng cảm, không sợ va chạm. Năm 2017, Bộ thu gọn đầu mối từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị trực thuộc Bộ; cắt giảm 72 đơn vị cấp phòng. Đặc biệt, tích cực xử lý 12 dự án thua lỗ cũng như thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn khỏi Sabeco, được đánh giá một hình mẫu cho cổ phần hóa doanh nghiệp thời gian tới.

“Phải học từ Sabeco, mọi doanh nghiệp Nhà nước, cả ngành công thương sớm đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn, niêm yết cổ phần trên sàn giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng thẳng thắn mà nói ngành còn nhiều tồn tại, bất cập. Cụ thể, còn tình trạng xin - cho, một số chính sách kìm hãm sự phát triển, sản xuất  xuất khẩu vẫn tập trung vào doanh nghiệp nước ngoài…

Để khắc phục những hạn chế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương trong phát triển cần có chiều sâu hơn nữa. Trong đó, thúc đẩy tái cơ cấu nền công nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động.

“Làm sao lực lượng sản xuất mới của công nghiệp, thương mại không chỉ là tập đoàn tổng công ty nhà nước mà còn là tư nhân, hợp tác xã... chúng ta phải khơi dậy những tiềm năng này. Chúng ta cũng phải hướng công nghiệp thương mại vào nông nghiệp nông thôn, vì nông dân chiếm chiếm 70% dân số, lao động chiếm trên 42%, trong khi nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP là quá thấp. Chúng ta phải chuyển nông thôn Việt Nam theo hướng mới…” Thủ tướng nhấn mạnh.

Về chính sách Thủ tướng cho rằng cần phải có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tránh tình trạng "đẽo cày giữa đường", tránh tạo ra thói làm ăn chụp giật. Phải tạo môi trường đầu tư ổn định, bền vững, thống nhất.

Thủ tướng đề nghị ngành Công Thương cần nhìn tấm gương đi trước của các nước công nghiệp phát triển để rút ra những bài học chiến lược của Việt Nam giai đoạn tới.

Yêu cầu tập trung phát triển thị trường trong nước, nhưng Thủ tướng lưu ý  phải nâng cao uy tín hàng Việt Nam để chiếm thị trường chứ không phải chỉ đơn giản yêu cầu người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Năm 2018 xử lý dứt điểm các dự án yếu kém

Bộ Công Thương khẳng định trong năm 2018, đơn vị sẽ tập trung hoàn thành việc xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành. Bảo đảm đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém ở các dự án này theo đúng lộ trình và phương án xử lý đã được phê duyệt.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.