Thúc đẩy xuất khẩu: 5 câu hỏi của Thủ tướng

Ngày 23-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. Trăn trở trước những thách thức, khó khăn của xuất khẩu, Thủ tướng đã nêu ra năm câu hỏi lớn đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp (DN), bộ, ngành, địa phương hiến kế đưa các sản phẩm của Việt Nam vươn ra biển lớn…

5 câu hỏi để vươn ra biển lớn

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vượt mốc 200 tỉ USD, đạt 214 tỉ USD năm 2017. Góp phần lớn vào kim ngạch này là khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 155,1 tỉ USD...

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà nền sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt như thương mại toàn cầu có những bất ổn, trong đó có khả năng xảy ra chiến tranh thương mại; xu hướng bảo hộ nổi dậy, nhiều nước nâng tiêu chuẩn về mặt hàng nông sản, thủy sản; thủ tục xuất khẩu có tiến bộ nhưng hệ thống thực thi công vụ làm chưa tốt nhiệm vụ…

Trước những khó khăn, thách thức trên, mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra năm câu hỏi lớn và đề nghị đại diện các DN, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đóng góp giải pháp, đề xuất. Những giải pháp, đề xuất này sẽ được Chính phủ đưa vào nghị quyết để chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện.

“Làm sao tăng giá trị gia tăng của sản phẩm trong nước chứ không chỉ xuất khẩu thô nữa? Làm sao phải tháo gỡ được những nút thắt về xuất khẩu, vướng mắc về thủ tục? Làm sao để DN Việt Nam nhanh chóng nắm bắt được thông tin, chính sách pháp luật, cơ hội làm ăn ở thị trường nước ngoài? Làm sao tiếp tục phát triển thị trường xuất khẩu? Khâu yếu của xuất khẩu của Việt Nam là gì và bức tranh lớn về xuất khẩu Việt Nam tới đây sẽ được tiếp cận thế nào?...” - Thủ tướng nêu. 

Thủ tướng nhấn mạnh các ngành, địa phương phải hành động mau lẹ hơn thì xuất khẩu mới có thể bứt phá. Ảnh: TP

Phải giảm chi phí  “gầm bàn”

Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải sửa đổi một số văn bản pháp lý để khuyến khích xuất khẩu, tạo môi trường thông thoáng cho DN. Đặc biệt, theo plo.vn, sắp tới Thủ tướng sẽ trực tiếp đi kiểm tra về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Về vấn đề chi phí được nhiều đại biểu thảo luận, Thủ tướng nhắc lại câu nói của Benjamin Franklin: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng nhấn chìm tàu lớn” và cho rằng chi phí cao thì không thể cạnh tranh. Do đó, việc giảm chi phí ở mọi khâu rất quan trọng như chi phí logistics, chi phí vốn, thủ tục, chi phí tiền lương, trong đó chi phí không chính thức hay chi phí “gầm bàn”… còn lớn.

Trước những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh các ngành, địa phương phải hành động mau lẹ hơn thì xuất khẩu mới có thể bứt phá. Bên cạnh việc khai thác, phát triển thị trường mới, Thủ tướng đề nghị phải tập trung phát huy những mặt hàng lợi thế của Việt Nam. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý cần có chiến lược toàn diện để thúc đẩy xuất khẩu chứ không phải chắp vá vì nhiều tỉnh của Việt Nam đều có lợi thế về xuất khẩu, do đó cần có chiến lược chung, tích hợp để góp phần xây dựng “bức tranh xuất khẩu” lớn của cả nước.

“Việc cần làm trước mắt là hỗ trợ các DN Việt Nam tạo liên kết với khu vực FDI, từ đó gia nhập và tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu. Nghiên cứu các rào cản đối với liên kết này, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, kể cả sửa đổi Nghị định 111, 215 về công nghiệp phụ trợ… 75% kim ngạch xuất khẩu là từ khu vực FDI, do đó nếu liên kết được khu vực này thì giá trị gia tăng của Việt Nam cao hơn” - Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng rà soát, tháo gỡ các khó khăn cho DN trong vấn đề thuế, phí, lệ phí, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, vấn đề liên quan đến chi phí sản xuất kinh doanh; xây dựng hệ thống các trung tâm logistics hậu cần hiện đại để phục vụ xuất khẩu; các DN của Việt Nam cần xây dựng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn để có thể xâm nhập vào thị trường thế giới

Tiếng kêu về thủ tục còn rất nặng nề

Một vấn đề nữa cũng được Thủ tướng đặc biệt lưu ý đó là vấn đề thực thi công vụ của bộ máy phục vụ xuất khẩu. Theo Thủ tướng, mặc dù đã có những chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính nhưng “có chỗ này, chỗ kia” vận hành chưa trơn tru, gây phiền hà cho người dân và DN.

“Tiếng kêu của người dân, DN với thủ tục rườm rà, phức tạp trong xuất khẩu vẫn còn rất nặng nề. Chúng ta phải nhận diện nút thắt này và gỡ bỏ” - Thủ tướng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm