Tịch thu xe của người say: Luật không vướng

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa giao Bộ GTVT khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ Công an, Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia về quy định tịch thu phương tiện người điều khiển ô tô, xe máy say xỉn, có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu.

Theo tham khảo của chúng tôi, nhiều chuyên gia cho rằng về mặt pháp luật, đề xuất trên là không vướng nhưng chưa đúng lúc, chưa thích hợp, nên thay bằng nhiều biện pháp khác.

Có căn cứ để tịch thu

ThS Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên khoa Luật hành chính ĐH Luật TP.HCM, phân tích: Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) có quy định hình thức tước quyền tài sản của người vi phạm khi hành vi VPHC nghiêm trọng, người VPHC thực hiện do lỗi cố ý; vật, tiền, hàng hóa, phương tiện là tang vật trực tiếp của VPHC hoặc được trực tiếp sử dụng để thực hiện hành vi VPHC, mà nếu không có vật, tiền, hàng hóa, phương tiện này thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm.

Như vậy, cơ sở pháp lý để tịch thu tang vật, phương tiện đối với người điều khiển ô tô, mô tô say xỉn, có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu đã có. Nếu chấp thuận kiến nghị của Ủy ban ATGT Quốc gia thì Chính phủ có quyền ban hành nghị định để thực hiện.

Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, phân tích thêm: Quy định về việc tịch thu tang vật, phương tiện VPHC tại Điều 26 cho phép tịch thu không giới hạn về giá trị của phương tiện, nghĩa là cứ vi phạm là tịch thu. Quy định này không để ý đến việc phương tiện lúc vi phạm là của ai, chỉ cần thấy vi phạm là tịch thu. Như vậy xét về mặt lý, chỉ cần căn cứ vào các điều 24, 26 và 38 của Luật Xử lý VPHC 2012 thì Chính phủ ban hành nghị định cho phép thẩm quyền chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện là được.

Nhưng cần cân nhắc

“Việc đặt ra chế tài nghiêm khắc với hành vi lái xe say xỉn là cần thiết trước tình trạng TNGT như hiện nay. Tuy nhiên, xe là tài sản rất lớn của đại bộ phận người dân, thậm chí còn là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Do vậy cần cân nhắc về hình thức này.

Về nguyên tắc thì chế tài cần tương xứng với hành vi vi phạm. Trường hợp lái ô tô mà máu có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu, mức phạt tối đa chỉ 15 triệu đồng nhưng tịch thu xe có giá trị hàng tỉ đồng liệu có hợp lý. Vì vậy chỉ nên tịch thu ô tô, xe máy khi người điều khiển có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu gây tai nạn và bị khởi tố.

Ngoài ra, vấn đề xử lý đối với phương tiện thuộc diện bị tịch thu nhưng không thuộc quyền sở hữu của người vi phạm cũng phải quan tâm” - ThS Thái Thị Tuyết Dung nêu.

Còn Thẩm phán Hùng thì nêu băn khoăn: Nếu áp dụng đề xuất này sẽ xảy ra khả năng tình trạng mãi lộ trở nên trầm trọng hơn, phức tạp hơn vì xuất hiện thêm chủ thể thứ ba là các chủ sở hữu phương tiện. Kế đến, nếu xe vi phạm không phải chính chủ thì chủ xe liệu có đáng phải chịu một chế tài cực kỳ nặng là bị tịch thu xe mà do lỗi của người khác gây ra? Điều đó sẽ gây một hiệu ứng không tốt về mặt xã hội nếu quy định này được thực thi.

Xử nặng “thằng người” hơn là xử “thằng xe”!

“Tôi không ủng hộ đề xuất này vì xét ở góc độ nào đó nó đã hạn chế, thậm chí tước bỏ quyền sở hữu tài sản của công dân vốn là một quyền cơ bản của con người. Nếu phương tiện không phải chính chủ nó còn gây khó khăn cho người dân trong giao dịch dân sự về thuê, mượn tài sản.

Lý giải việc thu phương tiện của người say, một lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cho là học tập Nhật Bản (áp dụng phạt tù năm năm với lái xe uống rượu say). Vậy sao chúng ta không học hỏi luôn biện pháp chế tài này. Xử lý nặng trách nhiệm cá nhân của người vi phạm giao thông sẽ có tác dụng hơn nhiều việc thu tài sản” - giảng viên Lưu Đức Quang, khoa Luật hành chính ĐH Luật TP.HCM, nêu.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban ATGT TP.HCM, cũng cho rằng biện pháp này cần xem lại. Bởi nguyên nhân gây ra TNGT do rượu bia có phải là nguyên nhân chính? Theo thống kê năm 2014 tại TP.HCM, chỉ có 23 (trong tổng số 4.368) vụ TNGT (khoảng 2,7%) do rượu bia. Trước mắt cần có những biện pháp tuyên truyền sâu rộng để nâng nhận thức người dân, đồng thời áp dụng hình thức xử lý nặng như tăng mức phạt tiền, tăng thời gian giam bằng lái hoặc tước bằng lái vĩnh viễn, thậm chí phạt tù người vi phạm.

Các nước: Bóc lịch đến tử hình

Các nước đều có quy định độ cồn cho phép trong máu của các tài xế. Nếu vi phạm, các nước có những biện pháp xử phạt khác nhau.

Pháp: Các tòa án thường phạt 1.000 USD, đình chỉ giấy phép lái xe trong ba năm và phạt tù từ một năm trở lên khi người vi phạm có độ cồn vượt quá 0,08%.

Saudi Arabia: Quốc gia này cấm tiệt người lái xe tiêu thụ rượu dưới bất kỳ hình thức nào. Người vi phạm thường phải trả 10.000 USD, đi tù trong 10 năm và có khi phải nhận đòn roi trong một quảng trường công cộng.

Na Uy: Người lái xe khi say rượu sẽ bị kết án ba tuần lao động khổ sai trong tù, mất giấy phép trong vòng ba năm. Nếu vi phạm một lần nữa, họ sẽ mất bằng lái vĩnh viễn.

Trung Quốc: Nếu phát hiện nồng độ cồn dưới 0,08%, lái xe sẽ bị phạt 160-320 USD và đình chỉ giấy phép sáu tháng. Nồng độ cồn vượt quá 0,08%, lái xe sẽ bị phạt đến ba năm tù giam, tịch thu giấy phép năm năm. Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị tịch thu giấy phép suốt đời.

Nam Phi: Phạt tiền đến 10.000 USD và phạt tù 10 năm.

Úc: Sau khi nộp phạt và bóc lịch trong tù, họ còn phải trải qua một cuộc kiểm tra y tế trước khi nhận giấy phép trở lại.

El Salvador: Sẽ xử tử người vi phạm ngay trong lần vi phạm đầu tiên.

Bulgaria: Có thể xử tử tài xế say rượu nếu vi phạm hai lần.

Một số quốc gia có hình phạt khá độc đáo:

Thổ Nhĩ Kỳ: Cảnh sát sẽ chở người lái xe say rượu ra khỏi chỗ ở của họ 32 km để người này tự cuốc bộ về nhà.

Nga: Người vi phạm lần đầu có thể sẽ mất giấy phép vĩnh viễn.

Malaysia: Không chỉ phạt người lái xe say rượu mà người thân trong gia đình cũng bị “vạ lây”. Ví dụ: Chồng lái xe say rượu bị phạt, vợ cũng sẽ phải nhận hình thức trừng phạt tương tự.

Ba Lan: Người vi phạm có thể phải vào tù, phạt tiền, thậm chí còn phải tham gia các khóa học chính trị.

PHÚ QUỐC tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm