Tích tụ đất đai không chỉ nghẽn ở ‘hạn điền’

Lý do là còn một số vấn đề phức tạp, cần thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị kỹ hơn, trong đó có vấn đề tích tụ đất đai. Cùng với đó là các vấn đề liên quan quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất, căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, đất cơ sở tôn giáo…

Việc hoãn lại dự luật này theo đề nghị của Chính phủ là cần thiết khi còn những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu; nhưng rất cần xác định rõ lộ trình để “may lại chiếc áo pháp lý đủ rộng” cho đất đai khi mà nó đã trở nên chật chội.

Để may lại “chiếc áo pháp lý cho đất đai”, việc đầu tiên là cần phải có sự thay đổi về tư duy trong việc tiếp cận và giải quyết các vấn đề liên quan đến tài nguyên đất. Đất đai cần được nhìn nhận dưới góc độ là một loại tài sản thể hiện chủ quyền quốc gia, phục vụ yêu cầu quốc phòng an ninh cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Mặt khác, đất đai cần một “chiếc áo pháp lý đủ rộng” để phát huy vai trò của loại tài nguyên đặc biệt này, huy động nguồn lực kinh tế từ đất.

Tích tụ đất đai cho sản xuất hàng hóa lớn vẫn đang bị vướng điểm nghẽn hạn điền. Nhưng ngoài hạn điền, phải xem xét lại chế độ quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai. Trong đó có yêu cầu đổi mới quy hoạch sử dụng đất theo hướng tiếp cận “không gian hợp lý và tích hợp hiệu quả” cao nhất. Luật Quy hoạch cần hòa nhịp đồng điệu với Luật Đất đai sửa đổi. Vấn đề đất đai được tích hợp trong các quy hoạch khác theo luật mới như thế nào, đặc biệt là quy hoạch vùng, tiếp cận theo vùng và tiếp cận trên cơ sở điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và yêu cầu của phát triển.

Nếu chỉ đặt vấn đề tăng hạn điền lên 10 hay 20 lần hiện nay thì rõ ràng đó vẫn là tư duy về số lượng, trong nỗi lo sợ “mất hạn điền, sinh hệ lụy”. Thực tiễn cho thấy đã có người tích tụ 500 ha đất, gấp 1.000 lần so với mức bình quân sử dụng đất của nông hộ hiện nay chỉ 0,5 ha. Nhưng đó không phải là tài sản lớn khi mà những ông chủ trên sàn chứng khoán, kinh doanh bất động sản đang sở hữu khối tài sản lớn hơn nhiều đang được khuyến khích, trong khi tích tụ đất đai bị vướng trần hạn điền. Duy trì hạn điền trong nông nghiệp, giới hạn số đất đai người nông dân hay nhà đầu tư được
phép sử dụng đang mâu thuẫn với chủ trương khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Khi bỏ hạn điền, liệu có hình thành tầng lớp địa chủ mới hay không? Để ngăn chặn tình trạng một số người lợi dụng tích tụ đất đai để chiếm hữu đất, không trực tiếp canh tác mà “phát canh, thu tô” thì Nhà nước quản trị và kiến tạo hoàn toàn có thể sử dụng công cụ pháp luật ngăn chặn. Phải có giải pháp kèm theo chính sách này để không xảy ra tình trạng địa chủ mới mà nhiều ý kiến lo ngại. Nhà nước hoàn toàn có thể sử dụng chính sách và công cụ thuế để điều tiết. Nếu ai nắm giữ đất đai quá hai năm không canh tác thì bị đánh thuế nặng thẳng vào đất. Không ai đi thu gom đất để chịu lỗ.

Bên cạnh đó phải hỗ trợ và thúc đẩy quá trình doanh nhân hóa nông dân. Người dân dù muốn hay không vẫn đang dịch chuyển từ khu vực nông thôn ra thành thị, từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Phải chấp nhận tình trạng một bộ phận nông dân, dân cư nông thôn chuyển dịch mà sự chuyển dịch đó tốt. Cứ bám nông thôn, cứ gắn nông nghiệp với đất đai xưa cũ bằng mọi giá thì nông dân khó làm giàu được.

Để “may lại chiếc áo pháp lý cho đất đai” đã chật thì điều quan trọng là không phụ thuộc một người hay một nhóm ý kiến nào mà cần tổng hợp, có kênh để thu thập có ý kiến sâu sắc, đặc biệt là những người lăn lộn là nhà đầu tư, doanh nghiệp và giới học thuật. Cần tham vấn ý kiến người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chuyên gia cho vấn đề quan trọng này, kể cả ý kiến trái chiều để có phương án lựa chọn tối ưu nhất. Điều quan trọng là cần xác định rõ ràng việc “vá hay phải may lại chiếc áo pháp lý mới cho đất đai”?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm